Trang trại gà của ông Bùi Văn Ngọc vẫn được xây dựng và đến nay là hoàn thành, bất chấp cả việc báo chí phản ánh |
Theo thông tin từ UBND xã Nam Bình cho biết, khu vực trên thuộc thửa đất số 88, tờ bản đồ 51, có diện tích 9.308 m², thuộc sở hữu của ông Bùi Văn Ngọc, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số DP 305572 vào ngày 02/7/2024, với mục đích sử dụng là đất trồng cây hàng năm khác. Tuy nhiên, ông Ngọc đã tiến hành xây dựng trang trại gà trên diện tích 3.510 m², dự kiến nuôi 37.000 con gà lấy thịt, mà không thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết như chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay đăng ký xây dựng.Vào ngày 07/11/2024, UBND xã Nam Bình đã lập biên bản ghi nhận hiện trạng sử dụng đất và xác định các hành vi vi phạm.
Cũng theo UBND xã Nam Bình, mặc dù đã phát hiện vi phạm, nhưng do gặp khó khăn trong việc áp dụng các văn bản pháp luật, nhận thức về các quy định còn hạn chế, dẫn đến sự lúng túng trong việc xác định hành vi vi phạm hành chính cụ thể.
Mới đây, Phóng viên ghi nhận, trang trại gà của ông Bùi Văn Ngọc vẫn được xây dựng công khai, không gặp bất cứ sự kiểm tra, ngăn chặn nào từ phía các cơ quan chức năng đến nay là hoàn thiện và sắp đi vào hoạt động, bất chấp cả pháp luật và Tạp chí điện tử Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nhiều lần phản ánh.
Liên quan sự việc, phóng viên tiếp tục trao đổi với ông Đoàn Văn Tài, Phó chủ tịch UBND xã Nam Bình, ôngTài cho biết: “Chúng tôi đã lập biên bản rồi, chúng tôi đã báo cáo, giờ huyện cũng chả thấy có cái văn bản nào. Bây giờ họ xây nếu như sau này sai thì họ chịu trách nhiệm, huyện cũng bối rối như thế này thì chả biết đường nào. Chúng tôi cũng lập biên bản ngăn chặn rồi chứ còn bây giờ ông cố tình làm thì sau này hậu quả thì ông chịu thôi. Phòng TNMT đã về kiểm tra rồi nhưng chưa có văn bản nào, hiện tại chúng tôi cũng phải đôn đốc, và xin ý kiến chỉ đạo của huyện xem có hướng như thế nào để chỉ đạo cho xã làm”.
Từ đó, dư luận đặt câu hỏi, UBND xã Nam Bình có thiếu trách nhiệm hay đang cố tình “ngó lơ” để cho chủ trại gà này, tiếp tục vi phạm, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm hay không? Biên bản xử lý hành vi trên của UBND xã Nam Bình có giá trị pháp lý thực tế hay chỉ có giá trị nằm trên giấy ?
Các câu hỏi này, chúng tôi xin chuyển cho UBND huyện Đắk Song và UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo, kiểm tra, làm rõ. Đồng thời, người dân đề nghị UBND xã Nam Bình, UBND huyện Đắk Song phải xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật đối với hành vi cố tình xây dựng trang trại gà trái phép trên đất nông nghiệp của ông Bùi Văn Ngọc, không để cho người dân bức xúc./.
Tạp chí điện tử Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.
Theo công văn 475/BXD-TTr năm 2021 của Bộ Xây dựng về việc xử phạt hành chính đối với vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, Bộ Xây dựng đã đưa ra ý kiến như sau: “Đối với hành vi của chủ đầu tư xây dựng công trình (như nhà ở riêng lẻ hoặc công trình khác) trên đất nông nghiệp, đề nghị các cơ quan quản lý đất đai có thẩm quyền theo quy định pháp luật về đất đai để xem xét và xử lý vi phạm hành chính. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính cần được đảm bảo, theo đó “một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần”. Theo hướng dẫn này, xử phạt xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp theo quy định của Nghị định 91/2019/NĐ-CP. (i) Xử phạt vi phạm hành chính: Theo khoản 2 và khoản 3 của Điều 11 trong Nghị định 91/2019/NĐ-CP, quy định về mức xử phạt khi vi phạm hành vi chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp trái phép trong các khu vực khác nhau như sau: Khu vực nông thôn: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi trái phép dưới 0,02 hecta. Phạt tiền từ 5.000.000 đến 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi trái phép từ 0,02 hecta đến dưới 0,05 hecta. Phạt tiền từ 8.000.000 đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi trái phép từ 0,05 hecta đến dưới 0,1 hecta. Phạt tiền từ 15.000.000 đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi trái phép từ 0,1 hecta đến dưới 0,5 hecta. Phạt tiền từ 30.000.000 đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi trái phép từ 0,5 hecta đến dưới 01 hecta. Phạt tiền từ 50.000.000 đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi trái phép từ 01 hecta đến dưới 03 hecta. Phạt tiền từ 100.000.000 đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển đổi trái phép từ 03 hecta trở lên. Khu vực đô thị: Hình thức và mức xử phạt tương đương với 02 lần mức phạt đối với khu vực nông thôn. Theo khoản 4, Điều 11, Nghị định 91/2019/NĐ-CP, biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: Buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu của đất trước khi vi phạm áp dụng cho các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều này, trừ quy định tại điểm b của khoản này. Yêu cầu đăng ký đất theo quy định đối với những trường hợp đáp ứng các điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Buộc trả lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành vi trong các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều này; số lợi bất hợp pháp sẽ được xác định theo quy định tại khoản 1 của Điều 7 của Nghị định này. (ii) Cưỡng chế tháo dỡ Theo Điều 30 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi năm 2020: cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.
|