![]() |
Ảnh minh họa |
Chỉ thị do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn ký ban hành ngày 23/7/2025, quán triệt tinh thần Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 19/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 6134-CV/TU của Tỉnh ủy Đắk Lắk. Theo đó, các cấp, các ngành cần chủ động, không lơ là, không để bị động, bất ngờ trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh địa phương đang triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy và chính quyền địa phương hai cấp.
Một trong những yêu cầu quan trọng là vận hành hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. UBND các xã, phường được giao tham mưu cấp ủy địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình cụ thể, đồng thời kiện toàn tổ chức, bộ máy, phân công trách nhiệm rõ ràng để bảo đảm hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả trong mọi tình huống.
Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đóng vai trò nòng cốt trong việc theo dõi, chỉ đạo, thông tin và phối hợp giữa các ngành, địa phương. Ngoài việc tăng cường trực ban, cập nhật tình hình thời tiết, đơn vị này còn có trách nhiệm chủ trì rà soát các phương án ứng phó thiên tai, hướng dẫn các công trình thủy lợi vận hành an toàn và phối hợp với các lực lượng chức năng kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh theo quy định mới.
Cùng với đó, Sở Công Thương có nhiệm vụ đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện và hệ thống cung cấp điện trong mùa mưa bão; Sở Xây dựng kiểm tra các công trình giao thông, hệ thống tiêu thoát nước để tránh tình trạng ngập úng; Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát an toàn trường lớp, học sinh; Sở Y tế dự trữ thuốc, vật tư phòng chống dịch bệnh; các đơn vị báo chí đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó thiên tai cho người dân.
Đặc biệt, lực lượng quân đội và công an tỉnh được giao chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ địa phương trong các tình huống khẩn cấp. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh được yêu cầu nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo kịp thời và chính xác thông tin về thời tiết nguy hiểm.
Đối với chính quyền cấp xã, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đê điều và phòng chống thiên tai, Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra sơ suất, chủ quan, gây thiệt hại nghiêm trọng. Các địa phương có đê điều phải chủ động kiểm tra công trình, chuẩn bị vật tư, nhân lực ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Chỉ thị cũng yêu cầu các địa phương sử dụng hiệu quả nguồn lực được cấp, chủ động bố trí ngân sách, huy động nguồn lực hợp pháp để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, đặc biệt là các công trình đê điều, hồ đập, cơ sở hạ tầng viễn thông, điện, giao thông, tiêu thoát nước trước mùa mưa bão.
Với tinh thần chủ động, quyết liệt và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, tỉnh Đắk Lắk đang thể hiện quyết tâm cao trong việc phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, hướng tới mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, ổn định đời sống xã hội và phát triển kinh tế bền vững./.