![]() |
Để chủ động phòng, chống bệnh Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau: Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế. Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết). Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời… Người dân đến và về từ các nước có số ca mắc Covid-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống Covid-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần. |
Theo PGS.TS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM, chia sẻ với báo chí, biến chủng Covid-19 hiện hành là Omicron XEC, lây lan nhanh nhưng có độc lực thấp nên không gây nguy hiểm đến cộng đồng.
"Tại Việt Nam, Covid-19 từ lâu đã được hạ cấp là bệnh truyền nhiễm nhóm B, ngang tầm cảm cúm, miễn dịch cộng đồng đã tương đối tốt. Người dân do đó nên xem Covid-19 là một bệnh theo mùa thông thường, tránh hoang mang không cần thiết", chuyên gia này cho hay.
Theo PGS Ngọc, trong bối cảnh hiện nay, mọi người không nên đổ xô đi mua kit test nhanh Covid-19 về sử dụng. Việc test tùy thuộc vào điều kiện cá nhân và không phải khuyến cáo bắt buộc.
"Đối với người trẻ, có sức khỏe tốt, triệu chứng bệnh không nặng, chỉ thoáng qua trong vài ngày, việc test nhanh lúc này không thực sự quá cần thiết", ông giải thích.
Tuy nhiên, test nhanh lại rất quan trọng khi bạn sống chung cũng nhóm nguy cơ như trẻ em nhỏ, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh nền hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch. Lúc này, việc test Covid-19 giúp nhanh chóng xác định tình trạng nhiễm bệnh, từ đó hạn chế tiếp xúc với nhóm này để tránh lây lan virus cho họ.
Theo PGS Ngọc, người lớn tuổi khi bị cảm cúm trong thời điểm này cũng nên đi khám ở đơn vị y tế để xác định sớm được chẩn đoán và có phương án điều trị bệnh kịp thời.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hay corticosteroid (corticoid) để điều trị Covid-19.
"Thuốc kháng sinh hoàn toàn không giúp ích cho việc điều trị Covid-19, đôi khi còn gây thêm tác dụng phụ cho cơ thể và góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh", PGS Ngọc nhấn mạnh.
Thuốc kháng sinh chỉ cần được sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ khi có tình trạng bội nhiễm hay đồng nhiễm vi khuẩn.
Chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Covid-19 xuất hiện trở lại ở một số nước như Brazil, Anh, Thái Lan...
Từ đầu năm đến nay, nước ta đã ghi nhận rải rác hơn 150 trường hợp mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố. Dù không ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên số ca mắc đang có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình có 20 ca mắc/tuần.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, chủng Covid-19 ghi nhận tại thành phố không phải là biến thể mới và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm nguy cơ thấp. Nhiều bệnh viện ở Hà Nội ghi nhận số ca Covid-19 tăng, nhưng đa số bệnh nhân đều ở mức độ nhẹ, chưa phát hiện ổ dịch lớn.
Nhận định về tình hình Covid-19 quay trở lại, bác sĩ Ngãi cho rằng, sau thời gian dài từ tháng 10/2024 đến đầu năm 2025, Việt Nam không ghi nhận ca dương tính thì đến nay số ca mắc tăng trở lại có thể do miễn dịch cộng đồng giảm; tần suất giao lưu, tiếp xúc ngoài cộng đồng nhiều hơn. Bên cạnh đó, khi các quốc gia láng giềng bùng phát dịch Covid-19 thì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo chuyên gia này, tác nhân SARS-CoV-2 gây ra đợt bùng phát Covid-19 năm 2025 đều là các biến thể phụ của biến chủng Omicron.
Tiến sĩ Lê Kiến Ngãi cho biết, theo thống kê, các biến chủng được ghi nhận trong đợt dịch năm nay ở một số quốc gia không có tính đột biến về tính năng gây bệnh nhưng có tính chất lây lan mạnh hơn so với biến chủng cũ của Omicron.
"Trong bối cảnh khi các hoạt động trở lại bình thường, lại có đợt bùng phát dịch Covid-19 cùng với đợt bùng phát sởi với biến chủng lây lan nhanh thì nguy cơ dịch bùng phát trong cộng đồng là có thể. Vì thế, chúng ta không lo lắng, không hoang mang nhưng phải biết đặc thù của đợt này dịch này để cảnh giác, có tâm thế sẵn sàng đối mặt với dịch bệnh, ứng phó kịp thời", Tiến sĩ Ngãi nói.
![]() Ngày 19/5/2025, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản số 708/KCB-NV gửi Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; ... |