Khói bay nghi ngút từ các lò than tại thôn 5, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn |
Trong những ngày đầu của tháng 9, trực tiếp có mặt tại các lò đốt than tại xã Ea Bar. Theo ghi nhận ban đầu của Nhóm PV Tạp chí Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cả khu vực bị bao phủ bởi một màn khói đục, từ các lò đốt than nhả ra môi trường. Xung quanh các lò than này có rất nhiều nguyên liệu dùng làm chất đốt như gỗ, củi, thân cây cà phê… được cắt khúc, chất thành đống ngổn ngang chờ để được đưa vào lò đốt. Mỗi đợt đốt than thường diễn ra rất lâu, lúc mới bắt đầu đốt lò cũng là lúc lượng khói toả ra nhiều nhất, lò được thiết kế một ống xả khí thải, chiều cao của ống xả cao tầm khoảng 1,5-2m. Xung quanh các lò được che phủ bởi tôn, bạt…có nhiều lỗ hổng, đây cũng chính là nơi khí thải thoát ra ngoài và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, cây cối, hoa màu xung quanh.
Trong quá trình ghi nhận thực tế, tiếp xúc với Nhóm PV, ông H. V.T, trú tại thôn 7, xã Ea Bar, bức xúc, phản ánh: “Ông Nguyễn Bình xây dựng lò đốt than ở thôn 5, xã EaBar để đốt than. Đồng thời cho một số hộ dân thuê đất, tiếp tục xây dựng lò để đốt than theo kiểu lò hơi. Hiện tại trên đất của ông Nguyễn Bình có khoảng 35 lò than hoạt động cả ngày lẫn đêm. Bụi than đã gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến các loại cây trồng như, cà phê, hồ tiêu. Không chỉ vậy, các hộ dân đó còn chất củi lấn chiếm lòng lề đường. Rồi xe chở củi thì có dấu hiệu quá khổ, quá tải chạy vào tuyến đường mà đầu đường có biển báo 2.5 tấn. Cũng trên tuyến đường này, có trường tiểu học Nguyễn Huệ, như vậy có khả năng gây ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào”.
Xung quanh các lò than này có rất nhiều nguyên liệu dùng làm chất đốt như gỗ, củi, thân cây cà phê… được cắt khúc, chất thành đống ngổn ngang chờ để được đưa vào lò đốt. |
Cũng theo ông H.V.T, cho đến thời điểm hiện nay, khói bụi của các lò đốt than trên đất ông Nguyễn Bình đã làm giảm năng suất cây trồng của gia đình ông lên tới 90/95 % cũng như các hộ liền kề. Các hộ sống xung quanh lò than sống chủ yếu sống bằng nghề nông, tất cả mọi sinh hoạt chủ yếu trông vào đám rẫy nhưng nay kinh tế gặp muôn vàn khó khăn, nỗi khổ này, chúng tôi biết kêu ai !?.
Liên quan sự việc, Nhóm PV liên hệ với UBND huyện Buôn Đôn thì được ông Trương Văn Long, Chánh Văn phòng UBND huyện Buôn Đôn cho biết: “ Trước hết tôi trao đổi mang tính chất cá nhân. Tình trạng các lò đất thôn ở xã Ea Bar tồn tại rất là lâu. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện và các cơ quan chức năng đã vào làm việc thì các lò than ở thôn 5,6 cơ bản đã được giải quyết dứt điểm còn vấn đề để xem xét lại, bố trí cho các hộ dân liên quan đến hành nghề này, UBND huyện đã chỉ đạo cho các cơ quan chức năng giải quyết. Nội dung ô nhiễm môi trường, nếu là thời điểm trước đây thì là đúng còn bây giờ đã được quy hoạch vào vị trí xa khu dân cư và đảm bảo theo quy hoạch của cơ quan có thẩm quyền. Nếu anh muốn làm việc với nội dung này thì em sẽ xin ý kiến của Chủ tịch để chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường xem xét trả lời ”.
Cây hồ tiêu của người dân được trồng xung quanh các lò than, lá vàng, cây có dấu hiệu chết dần |
Trước đó, Tạp chí Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã đưa tin, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn có văn bản chỉ đạo, UBND xã Ea Bar kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của người dân về hoạt động đốt lò than gây ô nhiễm. UBND huyện Buôn Đôn yêu cầu UBND xã Ea Bar kiểm tra, rà soát hoạt động đốt than của các hộ dân, tổ chức tuyên truyền, vận động, di dời người dân không đốt than tại khu vực nằm ngoài Mỏ đá Hoàng Phát, tránh tình trạng kiến nghị, phản ánh kéo dài, vượt cấp.
Căn cứ các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành, tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Bình tại thôn 5, xã Ea Bar với biện pháp "Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả".
Báo cáo kết quả thực hiện tuyên truyền, vận động, xử lý đối với hoạt động đốt than trái phép của ông Nguyễn Bình về UBND huyện (qua phòng Tài nguyên và Môi trường) được biết, chỉ đạo.
Tòa soạn Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam vẫn tiếp tục thông tin./.