Khu vực nông thôn hiện có 62,1 triệu người, chiếm 61,9% dân số cả nước. Tuy nhiên, nông thôn đang đối mặt với nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, làng nghề và sinh hoạt dân cư - Ảnh minh họa. |
Ngày 8-1, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia với chủ đề “Môi trường nông thôn - Thực trạng và giải pháp”. Báo cáo này không chỉ phản ánh tình hình ô nhiễm nghiêm trọng tại nông thôn mà còn đề xuất những giải pháp quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2025.
Theo báo cáo, khu vực nông thôn hiện có 62,1 triệu người, chiếm 61,9% dân số cả nước. Tuy nhiên, nông thôn đang đối mặt với nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, làng nghề và sinh hoạt dân cư. Năm 2023, lượng chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn phát sinh khoảng 29.734 tấn/ngày, trong đó chỉ 77,69% được thu gom và xử lý, hơn 22% còn lại bị xả trực tiếp ra môi trường. Các khu vực như Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỷ lệ thu gom chất thải thấp, lần lượt dưới 50% và 30%, không đạt mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, các phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm rạ, bao bì hóa chất bảo vệ thực vật và chất thải từ chăn nuôi cũng đang gây áp lực lớn. Cả nước phát sinh 94,42 triệu tấn phụ phẩm trồng trọt và 72 nghìn tấn chất thải nhựa trong năm 2023. Chỉ 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn, trong khi phần lớn chất thải bị xả thẳng ra hệ thống kênh, rạch, làm suy giảm chất lượng môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Hướng tới năm 2025, Báo cáo đã đề xuất các giải pháp toàn diện nhằm giải quyết vấn đề này. Một trong những ưu tiên là đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường gắn với tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Điều này bao gồm việc hoàn thiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn, tăng đầu tư tài chính từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực khác, và nhân rộng các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.
Đồng thời, cần tăng cường quản lý chất thải sinh hoạt nông thôn, phụ phẩm nông nghiệp, và bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng. Kiểm soát ô nhiễm từ các làng nghề thông qua việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải và chất thải tập trung cũng là một nhiệm vụ cấp bách. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2025.