Theo kết quả điều tra, khảo sát đánh giá xác định vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ giai đoạn 2021-2025 cho thấy, thành phố Bảo Lộc có 7 vùng trồng trọt với diện tích 630 ha và 3 vùng chăn nuôi với tổng đàn khoảng 190 con có khả năng sản xuất hữu cơ. Các loại cây trồng có khả năng sản xuất hữu cơ bao gồm: Cây ăn quả với 02 vùng trồng, diện tích 130 ha; cây chè với 01 vùng trồng, diện tích 100 ha; cây cà phê với 04 vùng trồng, diện tích 400 ha. Các loại vật nuôi có khả năng sản xuất hữu cơ bao gồm: Bò sữa với 01 vùng nuôi, tổng đàn 90 con, bò thịt với 02 vùng nuôi, tổng đàn 100 con.
Mô hình sản xuất chè Oolong theo tiêu chuẩn hữu cơ của thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng |
Hiện nay, thành phố Bảo Lộc đã đạt được những kết quả trong việc phát triển nông nghiệp sản xuất hữu cơ, cụ thể:
Về trồng trọt: Trồng rau theo hướng hữu cơ: 21 hộ, diện tích 3 ha, sản lượng 35 tấn/năm và 01 mô hình rau thuỷ theo hướng hữu cơ có diện tích 0,7 ha. Trồng nấm mèo theo hướng hữu cơ: 03 hộ, diện tích 1,2 ha, sản lượng 70 tấn/năm.
Về chăn nuôi: Gà ác đẻ trứng theo hướng hữu cơ: 02 hộ, quy mô 20.000 con, sản lượng 1.800.000 trứng/năm. Gà công nghiệp đẻ trứng theo hướng hữu cơ: 07 hộ, 33.000 con, sản lượng 549.000 kg/năm. Chăn nuôi bò sữa theo hướng hữu cơ: 02 hộ, 26 con, sản lượng 72.000 lít/năm.
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đang hướng dẫn sản xuất hữu cơ cho 01 trang trại nuôi gà quy mô 10.000 con trên địa bàn thành phố và hỗ trợ cấp chứng nhận hữu cơ trong năm 2024.
Ngoài ra để hướng đến nông nghiệp hữu cơ, trong năm 2023 Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cũng đang hướng dẫn sản xuất và cấp chứng nhận VietGAP cho 1 hộ trồng rau quy mô 0,2 ha rau, củ tại phường Lộc Phát và 2 hộ chăn nuôi gà đẻ trứng quy mô 30.000 con tại phường Lộc Phát và 01 hộ chăn nuôi heo quy mô 100 con tại xã Lộc Châu.
Năm 2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cũng đang hướng dẫn sản xuất và cấp chứng nhận VietGAP cho 01 hộ trồng rau tại phường Lộc Phát quy mô 0,5 ha rau.
Năm 2021, UBND thành phố Bảo Lộc đã thực hiện đề tài khoa học công nghệ “xây dựng mô hình sản xuất chè Oolong theo tiêu chuẩn hữu cơ với 03 mô hình: 01 mô hình của hộ dân diện tích 0,5 ha và 02 mô hình của doanh nghiệp tại xã ĐamBri với diện tích 01 ha/ mô hình. Năng suất bình quân của các mô hình chè hữu cơ đạt 15,0 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế tăng 15% so với ngoài mô hình.
Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp sản xuất hữu cơ của thành phố Bảo Lộc vẫn còn gặp những khó khăn vì nguyên nhân, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi quy trình khắt khe, ràng buộc bởi nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư ban đầu quá cao,… Do đó việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế.
Các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, người dân chưa tiếp cận được. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vẫn còn ít.
Nguy cơ rủi ro cao với các mặt hàng nông sản do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, dịch bệnh trên cây trồng luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, gây khó khăn nhiều trong sản xuất.
Giá thành sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao cao hơn 2-3 lần so với các sản phẩm nông nghiệp thông thường. Tuy nhiên, người tiêu dùng không phân biệt được sự khác nhau giữa các sản phẩm, điều đó dẫn đến gây nhiều khó khăn cho đầu ra của sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ.
Sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao chỉ mới được thực hiện tập trung cho sản phẩm trồng trọt, chưa thực hiện phổ biến cho các sản phẩm khác như: thủy sản, chăn nuôi...
Do đó, UBND thành phố Bảo Lộc đề xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cần kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Thường xuyên rà soát, đánh giá các chính sách đã ban hành để nắm bắt những vướng mắc, bất cập nhằm kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp với thực tế, đảm bảo các chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao làm tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của một sản phẩm trên một đơn vị canh tác; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, đồng thời liên kết chuỗi giá trị bền vững và hiệu quả.
Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất trong các vùng sản xuất nguyên liệu chế biến theo chuỗi sản giá trị, liên kết trên cơ sở phát triển liên kết, liên doanh với doanh nghiệp. Liên kết gắn các hộ sản xuất trong vùng với các doanh nghiệp theo chuỗi sản phẩm. Phát triển các hình thức sản xuất theo hợp đồng đối với các hộ nông dân và doanh nghiệp.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ thông qua việc liên kết tiêu thụ sản phẩm để nông sản hữu cơ không bị thiệt thòi về giá, vì hiện nay đa số sản phẩm hữu cơ đang phải bán ra thị trường với giá ngang bằng và ít được phân biệt với giá sản phẩm sản xuất không theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Tiếp tục tuyên truyền phổ biến để nâng cao nhận thức cho người sản xuất, người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.