![]() |
Ông Phan Như Nguyện - Ủy viên Dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực BCH T.Ư Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Chủ trì Hội thảo có ông Phan Như Nguyện- Ủy viên Dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực BCH T.Ư Nông dân Việt Nam. Tham dự còn có các đồng chí Phó Chủ tịch: Bùi Thị Thơm, Nguyễn Xuân Định; đồng chí Nguyễn Đức Triều, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội, các ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phan Như Nguyện - Phó Chủ tịch Thường trực BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho giai cấp nông dân. Việc lấy ý kiến cán bộ, hội viên, nông dân trong việc tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013 không chỉ nhằm phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân mà còn là dịp để lắng nghe, tiếp thu những hiến kế thiết thực, tâm huyết nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi và đồng thuận xã hội cao của Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
“Việc sửa đổi Hiến pháp dù ở phạm vi nào cũng là một công việc rất hệ trọng. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện cơ quan Trung ương và địa phương. Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc, khách quan, từ góc độ lý luận và thực tiễn, đặc biệt là từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của Hội để góp phần làm rõ hơn các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp”- ông Phan Như Nguyện nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực tham gia góp ý về các quy định của Hiến pháp liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam. Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý về quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Đề xuất các điều kiện cần thiết để đảm bảo hiệu quả thực thi khi áp dụng mô hình mới ở các địa phương có đặc thù như miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa – nơi có đông nông dân sinh sống; Góp ý về quy định chuyển tiếp, cơ chế vận hành không gián đoạn khi tổ chức lại chính quyền địa phương...
Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Dự thảo sửa đổi bổ sung nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó có việc khẳng định MTTQ Việt Nam là “bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.
Về mối quan hệ tổ chức giữa Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh nêu ý kiến: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định chặt chẽ hơn: Các tổ chức này là “các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, và phải “hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Việc chuyển từ quan hệ “phối hợp” sang “trực thuộc” và hoạt động “dưới sự chủ trì” là một thay đổi đáng kể về mặt tổ chức. Dự thảo có xu hướng tập trung hóa quyền lực tổ chức trong Mặt trận, tạo điều kiện tăng tính thống nhất hành động, nhưng cũng đặt ra lo ngại về tính tự chủ và sự đa dạng tiếng nói trong nội bộ các tổ chức thành viên. Việc chuyển từ mô hình “phối hợp hành động” sang “trực thuộc, thống nhất dưới sự chủ trì” có thể ảnh hưởng đến tính tự chủ và đa dạng tiếng nói trong nội bộ Mặt trận.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh kiến nghị thay cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” bằng “thành viên trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, đồng thời giữ nguyên nguyên tắc “hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động”.
![]() |
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Đồng quan điểm nêu trên, ông Hoàng Trọng Thuỷ - chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng: Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, dùng từ “trực thuộc” mang tính hành chính, bắt buộc, gò bó. Vì vậy, ông Hoàng Trọng Thủy đề nghị bỏ chữ “trực thuộc” ở Điều 9 và Điều 10, đồng thời đề nghị bỏ nội dung đã quy định đối với Công đoàn “là tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì đã quy định tại Khoản 2 Điều 9. Bổ sung sau chữ “Công đoàn” là đại diện cho công nhân ở cấp quốc gia; bổ sung thêm “Hội Nông dân Việt Nam” là đại diện cho nông dân ở cấp quốc gia.
Tại Hội thảo, TS. Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đồng ý với nhiều nội hàm ghi trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung cụm từ “Nhà nước” vào trước cụm từ: “chính quyền” để hoàn chỉnh là: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của Nhà nước và chính quyền nhân dân”… Bởi vì, theo tinh thần mới thì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…là bộ phận của hệ thống chính trị của Việt Nam và Phải là cơ sở chính trị của Nhà nước và chính quyền nhân dân hai cấp.
Đồng thuận với nhiều ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Đức Triều - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cũng cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là cấp thiết, đáp ứng yêu cầu cách mạng về sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, cán bộ nói chung, chỉ có chính quyền tỉnh, thành phố; chính quyền xã, phường, không còn chính quyền quận, huyện để hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn. Đồng thời, tại Điều 9, nội dung 2, ông Nguyễn Đức Triều cũng đề nghị nên bỏ chữ “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì mỗi tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đều hoạt động theo tôn chỉ mục đích và điều lệ, có tính độc lập nhưng phải phối hợp.