Ảnh minh họa. |
Cũng có khi cùng một nghề nhưng số phận mỗi người một khác, thành danh, chức sắc, giàu nghèo, khác nhau nhiều lắm. Cùng với đó là đời sống riêng tư cũng muôn hình vạn trạng. Có đứa thăng tiến như diều gặp gió, có đứa loay hoay trong bế tắc, miệt mài lam lũ ở chốn thôn quê. Giải thích cho sự khác biệt này chỉ có thể dùng một chữ: Duyên phận nó vậy. Vậy duyên là gì? Chữ duyên là một trong những thuật ngữ quan trọng của người phương Đông, đặc biệt là Phật giáo và Nho giáo. Thường đi kèm với nhân duyên, duyên phận, duyên số...
Trong cụm từ Nhân-duyên hay Nhân-quả, nhân là nguyên nhân chính, duyên là những tác nhân phụ, quả là kết quả của nhân và duyên khi đã hội đủ hay đã chín muồi. Chẳng hạn, hạt thóc là nhân; gặp các điều kiện liên quan như đất, nước, thời tiết, chăm sóc là duyên; Chuyện này đã được đức Jesus Kito giảng ở biển hồ Galilee: “một người kia đi ra gieo giống. Trong khi gieo, một số hạt giống rơi bên vệ đường, chim đến ăn hết. Một số khác rơi nhằm nơi sỏi đá, nơi chẳng có nhiều đất màu. Chúng liền mọc lên, nhưng vì đất không nhiều, nên khi mặt trời lên, chúng bị nắng gắt thiêu đốt, và vì không có rễ ăn sâu, chúng bị héo khô. Một số hạt khác rơi vào những bụi gai; gai góc mọc lên, làm chúng bị nghẹt, nên không kết quả. Còn những hạt khác rơi vào đất tốt và kết quả. Chúng mọc lên, tăng trưởng, và nảy nở thêm nhiều; hạt thành ba mươi, hạt ra sáu chục, và hạt được một trăm.”
Duyên” trong “duyên phận”, “duyên số”, “duyên cớ” là thuật ngữ thường được nhắc đến trong đời sống Phật tử. Vậy chữ Duyên trong tiếng Hán có ý nghĩa gì? Cách viết như thế nào? Chữ Duyên trong tiếng Trung là 緣, (yuán), có nghĩa là duyên cớ, nguyên cớ, duyên phận, nguyên do. Đây là Hán tự chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Duyên ở đây không phải là duyên dáng, mềm mại mà là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nhau.
Chữ Duyên trong tiếng Trung 緣 được viết bằng dạng giản thể là 缘, gồm 3 bộ cơ bản: Bộ Mịch 糸: Sợi tơ; Bộ Hỗ 互: Qua lại, đan xen; Bộ Thỉ 豕: Con lợn. Theo đó, chữ Duyên trong tiếng Trung nghĩa là mối liên kết, kết nối (Tượng hình được hiểu theo ý nghĩa trai gái, kết hôn với nhau thì phải trao nhẫn cưới và có tiệc dẫn hỏi là món thủ lợn). Đến nay, chữ Duyên 緣 vẫn được hiểu là sự liên kết, kết nối nhưng đó là kết quả từ nhiều nguyên nhân khác nhau tạo thành.
Như đã nói ở trên chữ “Duyên” không chỉ được nhắc đến trong Phật giáo mà còn cả trong Kito giáo và Nho giáo. Theo quan niệm của các Phật tử và tín đồ Kito giáo, mọi kết quả của con người đều phụ thuộc vào cơ duyên. Điều này có nghĩa là những thành tựu ngày hôm nay là do sự giao hòa của nhiều cơ duyên từ kiếp trước. Cũng có thể do cơ duyên của số phận xô đẩy như chuyện người đi gieo hạt. Cũng là một hạt như nhau nhưng ai đó may mắn được rơi xuống đất tốt sẽ có cơ hội phát triển, chẳng may rơi xuống đất cằn hoặc vùng sỏi đá sẽ khó lớn.
Theo quan niệm này, mọi sự kiện không phải tự nhiên mà đều là kết quả của cơ duyên. Nói một cách đơn giản, những điều xảy ra hôm nay là hậu quả tất yếu của quá khứ, có thể là ngày hôm qua, hôm kia hoặc cả từ xa xưa. Quan niệm này trong Phật giáo được coi là tương tự với phép duy vật biện chứng, trong đó có cặp nguyên nhân - kết quả. Theo nghĩa đó, người xưa có câu tục ngữ như sau:“Tu trăm năm mới được chung thuyền, tu ngàn năm mới được chung chăn gối”.
Vì vậy, mọi sự việc xảy ra trên thế gian đều bắt nguồn từ nhân duyên và cơ duyên. Khi đã có duyên thì sẽ tạo nên kết nối. Ngược lại, nếu thiếu cơ duyên thì cho dù cố gắng đến đâu cũng không thể đạt được kết quả. Xét về nghĩa đó, người ta thường dùng thuật ngữ “tùy duyên” (随缘). Hán tự này biểu thị sự tôn trọng đối với luật nhân quả, tự nhiên như nó vốn có ta vẫn hay nói là quy luật của tự nhiên, nói như thế không phải là sự thụ động hay bỏ mặc. Mỗi con người đều có “Duyên phận” (缘分) của mình. Việc thay đổi bản thân là không dễ nhưng mỗi người đều có thể thay đổi tư duy, lối sống, thái độ, hành vi của mình để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình./.