Các loài thực vật thủy sinh có khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm, đồng thời tạo môi trường sống cho vi sinh vật tham gia vào quá trình phân hủy sinh học, giúp làm sạch nước hồ - Ảnh minh họa. |
Trước thực trạng ô nhiễm nước mặt do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, nhóm nghiên cứu từ Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Kiến trúc TP.HCM đã tìm kiếm giải pháp từ chính thiên nhiên. Từ việc tập trung vào khả năng xử lý chất dinh dưỡng và chất hữu cơ của một số loài thực vật thủy sinh phổ biến như dương xỉ lá hẹp, cú cơm và bèo tai chuột.
TS Hồ Ngô Anh Đào, chủ nhiệm đề tài, cho biết: "Các loài thực vật này có khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm, đồng thời tạo môi trường sống cho vi sinh vật tham gia vào quá trình phân hủy sinh học, giúp làm sạch nước hồ."
Nghiên cứu được thực hiện trong 30 ngày với các mô hình nuôi trồng khác nhau. Kết quả cho thấy cả ba loài thực vật đều có khả năng xử lý ô nhiễm đáng kể. Cú cơm có hiệu quả xử lý tốt nhất, tiếp đến là dương xỉ lá hẹp và bèo tai chuột. Đặc biệt, mô hình kết hợp dương xỉ lá hẹp và cú cơm với tỷ lệ 1:2 cho thấy hiệu quả xử lý vượt trội.
"Cơ chế làm sạch nước của thực vật thủy sinh rất đa dạng", TS Đào giải thích. "Chúng có thể hấp thụ trực tiếp các chất ô nhiễm, hoặc tạo điều kiện cho vi sinh vật phân hủy các chất hữu cơ trong nước."
Ứng dụng thực vật thủy sinh trong xử lý ô nhiễm nước hồ mang lại nhiều lợi ích. Phương pháp này thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất, đồng thời tạo cảnh quan xanh mát, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị.
Nghiên cứu này mở ra hướng đi mới trong việc ứng dụng giải pháp sinh học để xử lý ô nhiễm nước mặt. Kết quả nghiên cứu có thể được áp dụng để cải thiện chất lượng nước tại các hồ cảnh quan trong đô thị, góp phần xây dựng thành phố xanh, sạch và đẹp.