![]() |
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trong tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả. |
Xác định công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 06/10/2024 về việc đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước" trong năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động; chỉ đạo quyết liệt, huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp với phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội hỗ trợ, Nhân dân làm chủ”; đồng thời phát huy cao nhất tinh thần “Tương thân, tương ái”, “Ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều”.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh, trong tháng 10/2024, có 9/9 (100%) huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát, trực tiếp đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thành ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng thời ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo để triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đối với cấp xã, đã có 172/172 (100%) xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo, đồng thời ban hành quy chế hoạt động để triển khai tổ chức thực hiện chương trình; thành lập các tổ công tác, tổ giúp việc tiến hành khảo sát, rà soát chặt chẽ đối với từng hộ gia đình có nhu cầu, thiết lập hồ sơ xóa nhà tạm, nhà dột nát, vận động, tiếp nhận các nguồn hỗ trợ.
![]() |
Mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Chỉ đạo các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. |
Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh xong trước ngày 30/4/2025, sớm hơn 08 tháng so với thời hạn Thủ tướng Chính phủ quy định, với mức hỗ trợ tối thiểu 60 triệu đồng/căn xây mới, 30 triệu đồng/căn sửa chữa.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.838 hộ, đạt 100% kế hoạch (trong đó xây mới 1.221 nhà; sửa chữa 617 nhà).
Nhằm bảo đảm kinh phí triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động huy động tổng hợp các nguồn lực, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ theo đúng quy định. Tổng số kinh phí tỉnh đã huy động để thực hiện Chương trình là 194.485 triệu đồng, trong đó: Kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 là 18 tỷ 901 triệu đồng; kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 2 tỷ 622 triệu đồng; kinh phí ủng hộ từ các phong trào vận động, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân là 172 tỷ 962 triệu đồng, trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh 27 tỷ 400 triệu đồng, cấp huyện huy động 34 tỷ 450 triệu đồng; hộ gia đình, dòng họ đối ứng 111 tỷ 112 triệu đồng.
![]() |
Các lực lượng cùng vào cuộc để hỗ trợ Nhân dân xóa nhà tạm, nhà dột nát, thể hiện rõ nét tinh thần tương thân tương ái, tinh thần đoàn kết dân tộc. |
Trong suốt hành trình 189 ngày đêm Thái Nguyên thi đua cùng cả nước xóa nhà tạm, nhà dột nát, đã ghi nhận nỗ lực vươn lên của những "vùng lõm"; điển hình như câu chuyện ở huyện vùng cao Võ Nhai. Qua thống kê, Võ nhai có 783 căn nhà tạm, nhà dột nát (chiếm gần 50% tổng số nhà dột nát toàn tỉnh), trong đó có tới 470 căn nhà cần được xây mới, 313 căn nhà cần được sửa chữa. Nhà có chủ hộ là người dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, nhà thuộc diện hộ nghèo chiếm gần 84%, hộ cận nghèo chiếm gần 16%. Đặc biệt có đến gần 60% (453) nhà thuộc diện không đủ điều kiện để nhận các nguồn kinh phí hỗ trợ của MTTQ tỉnh và từ ngân sách nhà nước.
Cùng với quyết tâm chính trị và sự đồng lòng của Nhân dân, đến ngày 10/4, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đang ở nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện đã tiến hành khởi công làm nhà và sửa chữa nhà ở. Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Võ Nhai chia sẻ: Kết quả của Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Võ Nhai nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung không chỉ là một thành tích rất ấn tượng để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn là nguồn động lực mạnh mẽ, cổ vũ các hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực vươn lên trong lao động, sản xuất, cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững, hướng tới cuộc sống ổn định, no ấm hơn - để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình phát triển của dân tộc.
![]() |
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm, động viên các gia đình trong diện xóa nhà tạm, nhà dột nát. |
Thái Nguyên cũng là một trong những địa phương tiên phong ứng dụng công nghệ số trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát. Việc lập, rà soát, quản lý danh sách đối tượng đến theo dõi tiến độ, cập nhật hình ảnh trước, trong và sau khi xây dựng nhà đều được thực hiện, lưu trữ trên nền tảng số, bảo đảm tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, bài bản, tạo động lực để các tầng lớp Nhân dân cùng đồng hành với chính quyền trong hành trình kiến tạo mái ấm.
Cùng với đó, phát huy tinh thần "lá lành đùm lá rách" và truyền thống tương thân, tương ái quý báu của dân tộc, Thái Nguyên đã hoàn tất việc chuyển phần tiết kiệm chi thường xuyên 5% còn lại, với số tiền 45,6 tỷ đồng về Trung ương để hỗ trợ các địa phương khác. Đồng thời tỉnh tích cực tham gia giúp đỡ các tỉnh bạn trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, thể hiện tinh thần sẻ chia, đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng sâu sắc.
Mỗi căn nhà được dựng xây là khởi đầu của một hành trình mới, một hành trình kiến tạo cuộc sống hạnh phúc hơn. Thực hiện đúng yêu cầu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp đang tiếp tục đồng hành triển khai các chính sách an sinh, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế hộ gia đình để người dân từ ổn định cuộc sống đến phát triển kinh tế và làm giàu trên chính quê hương mình.
Ông Nguyễn Xuân Chờ, Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai cho biết: Chính quyền địa phương đang tiếp tục phối hợp với các ngành để xây dựng các mô hình kinh tế điểm phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và có giá trị kinh tế cao. Khi đã có nhà kiên cố, thì việc tạo ra những sinh kế bền vững sẽ giúp bà con yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đây là tín hiệu rất tích cực để địa phương chúng tôi thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Từ quyết tâm chính trị đến nhận thức hành động, xuất phát từ mệnh lệnh của trái tim - những trái tim Việt Nam cùng chung nhịp đập đã tạo nên phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Thái Nguyên. Với 189 ngày đêm nỗ lực không ngừng nghỉ, phong trào đã gặt hái những thành quả đáng tự hào, để không ai bị bỏ lại phía sau, vì một Thái Nguyên phát triển, hạnh phúc, vững bước cùng cả nước xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.