Đợt sương muối đầu năm nay đã khiến trên 20 ha cây cà phê tại thành phố Sơn La bị cháy lá - Ảnh minh họa. |
Sương muối và mưa đá là những hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuất hiện vào mùa đông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, tỉnh Sơn La đang triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ cây trồng vụ đông và cây trồng lâu năm.
Theo ghi nhận, đợt sương muối đầu năm nay đã khiến trên 20 ha cây cà phê tại thành phố Sơn La bị cháy lá. Trước đó, vào cuối tháng 4, trận mưa đá kèm gió lốc lớn xảy ra tại huyện Vân Hồ cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho 640 ha hoa màu và cây ăn quả.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời đến người dân về diễn biến của thời tiết, đặc biệt là các đợt không khí lạnh. Các huyện, thành phố cũng chủ động xây dựng phương án phòng, chống sương muối, mưa đá, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng.
Tại huyện Vân Hồ, một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của sương muối và mưa đá, công tác phòng, chống thiên tai được đặc biệt chú trọng. Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: "Huyện đã chỉ đạo người dân trồng cây che bóng, chắn gió, che phủ gốc cây, mặt luống; khuyến khích các hộ có điều kiện sử dụng lưới che để bảo vệ cây trồng".
Nhiều hộ dân đã chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Ông Mùa A Sứ, bản Co Lóng, xã Lóng Luông, chia sẻ kinh nghiệm: "Sau khi bị thiệt hại nặng do mưa đá hồi tháng 4, gia đình tôi đã chủ động mua lưới che cho 4.000m² trồng hoa màu. Đối với cây ăn quả, chúng tôi tập trung chăm sóc để cây nhanh chóng phục hồi".
Không chỉ ở Vân Hồ, các địa phương khác trong tỉnh cũng chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng. Tại thành phố Sơn La, bà Đỗ Thị Lan, bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, đã chuẩn bị sẵn sàng các vật tư như ống dẫn nước, phân bón, rơm rạ để che phủ, giữ ẩm cho đất và cây cà phê khi có sương muối xảy ra.
Mặc dù sương muối và mưa đá không xảy ra thường xuyên, nhưng hậu quả gây ra rất lớn. Vì vậy, việc chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời là rất quan trọng. Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết để có biện pháp bảo vệ cây trồng hiệu quả, đảm bảo năng suất, chất lượng nông sản.