![]() |
Quảng cáo sữa Hiup sai sự thật, MC Vân Hugo dự kiến bị phạt 70 triệu đồng. |
Trong khuôn khổ buổi họp báo thường kỳ Quý I của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Cục Phó Cục Phát thanh Truyền hình đã trả lời báo chí về xử phạt một số nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo sản phẩm trong đường dây sữa giả... gây ồn ào vừa qua. Theo bà Huyền thì, thời gian vừa qua, Cục Phát thanh Truyền hình đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y để kiểm tra, xác minh và xử lý các quảng cáo vi phạm gây ồn ào vừa qua.
Và trong tuần vừa qua, Cục Phát thanh Truyền hình đã phối hợp xử lý BTV Quang Minh và MC Vân Hugo - hai người tham gia quảng cáo sữa Hiup. Trong quá trình xác minh, cung cấp các tài liệu có liên quan, BTV Quang Minh và MC Vân Hugo đã có hành vi quảng cáo không đúng với các nội dung sản phẩm đã được công bố mà cơ quan chức năng của ngành y tế cấp phép.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình |
"Mặc dù BTV Quang Minh và MC Vân Hugo đã cung cấp tài liệu, kịch bản của nhãn hàng khi mời tham gia quảng cáo. Nhưng trong nội dung đó có những nội dung không khớp với nội dung tài liệu công bố của sản phẩm. Chẳng hạn, MC Vân Hugo có quảng cáo nếu uống sữa Hiup thì kiên trì trong vòng từ 3 - 6 tháng sẽ thấy được con tăng từ 3 - 5cm chiều cao. Đó là trải nghiệm của cá nhân họ nhưng khi quảng cáo lại vô tình khiến mọi người hiểu là áp dụng chung với tất cả các em bé.
Trong khi thực tế, không có tài liệu nào chứng minh trẻ em uống loại sữa đó trong 3 - 6 tháng sẽ cao được từ 3 - 5cm cả. Tất cả các tài liệu gửi kèm cũng không có tài liệu nào chứng minh hiệu quả của loại sữa này như vậy. Đây là những vi phạm rất nói quá về công dụng, gây nhầm lẫn về chất lượng sản phẩm. Vấn đề này, BTV Quang Minh và MC Vân Hugo nói riêng, những người tham gia quảng cáo nói chung đều phải chịu trách nhiệm.
Liên quan đến vấn đề này, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cho rằng, bất kỳ nghệ sĩ, người nổi tiếng hay người bình thường nào nếu quảng cáo sai sự thật hoặc nói sai sự thật trong quảng cáo đều phải xử lý nghiêm trước pháp luật. Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc nhấn mạnh thêm rằng, mặc dù Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, Bộ Quy tắc này không có chế tài xử phạt mà chỉ góp phần nâng cao nhận thức và cảnh báo các nghệ sĩ về ứng xử có chuẩn mực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và trên không gian mạng. |
Khi nhận quảng cáo bất kỳ sản phẩm nào, ngoài phải kiểm tra kỹ về giấy phép kinh doanh thì cũng phải kiểm tra xem kịch bản quảng cáo có vượt ra ngoài công dụng, tính năng và thành phần của sản phẩm đó hay không.
Chẳng hạn, BTV Quang Minh quảng cáo những thành phần trong sản phẩm sữa Hiup là không có trong các thành phần được công bố của hãng sữa vì thế đã vi phạm quy định", bà Nguyễn Thanh Huyền nói.
Theo Cục Phó Cục Phát thanh Truyền hình, sau buổi làm việc ngày 16/4 vừa qua, Cục Phát thanh Truyền hình đã lập biên bản cũng xử lý. Dự kiến sẽ có mức phạt đối với BTV Quang MInh là 37,5 triệu đồng về hai hành vi. Thứ nhất là quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định. Vi phạm quy định tại điểm a, khoản 2, điều 52 của Nghị định 38. Thứ hai là quảng cáo sử dụng tên của bác sĩ, vi phạm quy định tại điểm a, khoản 4, điều 52 của Nghị định 38.
Với MC Vân Hugo dự kiến sẽ bị phạt mức 70 triệu đồng vì vi phạm quy định liên quan đến quảng cáo gây nhầm lẫn về chất lượng và công dụng của sản phẩm. Mức phạt quy định tại khoản 5 điều 34 Nghị định 38.
Ngày 13/4, Bộ Công an công bố triệt phá đường dây sản xuất 573 loại sữa giả, tổng doanh thu ước tính gần 500 tỷ đồng. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 8/2021 đến nay, các nghi phạm đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để tổ chức sản xuất, kinh doanh sữa bột. Dù công bố trên nhãn sản phẩm có chứa các thành phần như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó, nhưng thực tế hoàn toàn không có những nguyên liệu này. Nhóm đối tượng đã thay thế một số thành phần bằng nguyên liệu khác, đồng thời bổ sung các chất phụ gia không đúng công bố. Theo cơ quan công an, nếu hàm lượng một số chất trong sản phẩm sữa bột thấp hơn 70% so với mức công bố, sản phẩm đủ điều kiện bị xác định là hàng giả. Ngày 15/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) gửi văn bản đến Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cùng Cục Văn hóa cơ sở, đề nghị phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm. Cục yêu cầu kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo vi phạm trên mạng xã hội, đặc biệt liên quan đến người nổi tiếng và báo cáo kết quả để tổng hợp. |