![]() |
Cơ sở sản xuất gạch thủ công Việt Hùng tại thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. |
Từ ngày 16/3/2017, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có Kế hoạch số 879/KH-UBND về việc triển khai chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020; và lộ trình xoá bỏ lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện theo chủ trương chung của UBND tỉnh, đến nay, UBND thị trấn Tân Sơn (thuộc huyên Ninh Sơn) cũng đã rà soát và từng bước loại bỏ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm trong khu dân cư. Hầu hết các lò gạch thủ công trên địa bàn đã được tháo dở và dẹp bỏ.
Cho đến nay, trên địa bàn thị trấn Tân Sơn chỉ còn tồn tại một lò gạch thủ công duy nhất là lò gạch Việt Hùng. Điều đáng nói, lò gạch thủ công Việt Hùng đang gặp phải nhiều phản ánh tiêu cực liên quan đến vấn đề môi trường; cũng như nghĩa vụ tài chính.
![]() |
Củi và gỗ các loại vẫn là vật liệu chính được dùng để đốt lò gạch thủ công. |
Theo ông Võ Đăng Kiều – Chủ tịch UBND thị trấn Tân Sơn, lò gạch thủ công Việt Hùng trước đây thuê đất của Hợp tác xã Sông Mỹ và hợp đồng thuê đã hết hạn từ năm 2022. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Ninh Sơn làm việc với chủ cơ sở; làm rõ về tình trạng hợp đồng thuê để tiến hành các thủ tục thu hồi, quản lý khu đất. Tuy nhiên, đến nay vấn đề thu hồi lại khu đất này vẫn chưa được giải quyết xong.
Đáng chú ý, sau nhiều lần chính quyền địa phương làm việc và vận động chủ cơ sở nói trên dẹp bỏ lò gạch thủ công, thực hiện theo chủ trương chung của tỉnh. Ngay sau đó, chủ lò gạch Việt Hùng lại có động thái đầu tư công nghệ mới.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù, cơ sở sản xuất gạch thủ công Việt Hùng cho biết đã chuyển từ đốt củi sang đốt than đá kết hợp một phần củi. Song những nỗ lực này vẫn chưa đáp ứng triệt để yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Cụ thể, có mặt tại cơ sở sản xuất gạch thủ công Việt Hùng, phóng viên ghi nhận xung quanh các lò nung gạch đều chất các loại củi, gỗ khác nhau thành đống để làm nhiên liệu đốt chính. Nhiên liệu khi đốt vẫn có khí chất thải, ảnh hưởng trực đến môi trường xung quanh.
![]() |
Đất làm gạch nung được khai thác từ nơi khác mang về. |
Cạnh đó, nhiều công nhân đang bốc vác gạch, sửa chữa máy móc sản xuất… hầu như không được trang bị bảo hộ lao động. Ngoài ra, đất sét được cơ sở này dùng để sản xuất gạch thủ công, cũng được khai thác từ nơi khác đem về không rõ nguồn gốc.
Điều đáng nói, khi phóng viên tìm hiểu về giá cả mua bán gạch tại đây thì bà Loan, tự xưng là chủ cơ sở Việt Hùng cho biết, gạch thủ công 4 lỗ tại đây được bán với giá 1 triệu đồng/thiên. Thế nhưng, cơ sở này chỉ ghi hoá đơn bán lẻ chứ không xuất hoá đơn giá trị gia tăng.
Đến đây, rõ ràng ngoài lo ngại về vấn đề môi trường và vấn đề hợp đồng thuê đất của cơ sở gạch thủ công Việt Hùng đã hết hạn chưa được giải quyết; thì việc không xuất hoá đơn giá trị gia tăng cũng vô cùng đáng báo động. Việc này không những làm khó cơ quản lý thuế, mà khả năng thất thoát nguồn thu cho ngân sách Nhà nước sẽ là con số không hề nhỏ.
![]() |
Gạch 4 lỗ được bán với giá 1 triệu đồng/thiên và không có hoá đơn GTGT. |
Liên quan đến quy trình khai thác đất để sản xuất gạch tại cơ sở Việt Hùng, trao đổi với phóng viên ông Võ Đăng Kiều cho biết: “Cơ sở này chủ yếu khai thác đất sét từ đất canh tác của gia đình. Họ khai thác tầng đất sét mặt để làm gạch, sau đó bồi đắp đất khác để cải tạo và trồng cây”.
Ông Kiều cũng thẳng thắn thừa nhận, địa phương có lơ là trong việc quản lý việc khai thác đất của cơ sở gạch thủ công Việt Hùng. Đến nay, địa phương chưa lập biên bản hay xử lý bất kỳ một trường hợp nào.
Cũng theo Chủ tịch UBND thị trấn Tân Sơn, hiện tại, theo quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn, vị trí lò gạch Việt Hùng thuộc đất sản xuất thương mại dịch vụ. UBND thị trấn Tân Sơn đã kiến nghị và phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện để đưa khu đất này vào kế hoạch sử dụng đất năm 2030.
Về phía cơ sở Việt Hùng, sau khi hợp đồng thuê đất hết hạn, chủ cơ sở đã có đơn xin tái ký hợp đồng; và cũng trình bày những khó khăn do đã đầu tư vào công nghệ mới nhưng chưa thu hồi được vốn.
![]() |
Chính quyền địa phương sẽ thu hồi lại diện tích đất của lò gạch thủ công Việt Hùng. |
Theo đó, các sở, ban ngành cấp huyện đã xem xét và tham mưu theo hướng cho phép cơ sở này gia hạn hoạt động trong một thời gian nhất định; để tạo điều kiện thu hồi vốn, trước khi tiến tới việc tháo dỡ hoàn toàn.
Tuy nhiên, tinh thần kiên quyết dẹp bỏ lò gạch Việt Hùng vẫn được chủ tịch UBND thị trấn Tân Sơn nhấn mạnh. Theo đó, trong thời gian tới, UBND thị trấn Tân Sơn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn cấp huyện để tiến hành thu hồi diện tích đất nói trên, đảm bảo quản lý và sử dụng đất đúng mục đích theo quy hoạch.
Việc thị trấn Tân Sơn quyết tâm loại bỏ lò gạch thủ công Việt Hùng không chỉ thể hiện sự nghiêm túc trong việc thực hiện chủ trương bảo vệ môi trường của tỉnh; mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
Đây được xem là một tín hiệu tích cực. Cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của chính quyền các cấp tại Ninh Thuận, trong việc hướng đến phát triển bền vững.