Ô nhiễm nhựa đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu - Ảnh minh họa. |
Trong bối cảnh ô nhiễm nhựa đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu, nhựa sinh học được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu tái tạo như bã mía, ngô hay tinh bột lúa mì, nhựa sinh học tiêu tốn ít năng lượng hơn và ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch so với nhựa truyền thống.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải tất cả các loại nhựa sinh học đều "thân thiện với môi trường" như quảng cáo. Theo định nghĩa tại châu Âu, nhựa sinh học phải có nguồn gốc sinh học và có khả năng phân hủy trong cả điều kiện tự nhiên lẫn công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều loại nhựa sinh học, ví dụ như PLA, chỉ có thể phân hủy hoàn toàn trong môi trường ủ công nghiệp với nhiệt độ và điều kiện kiểm soát chặt chẽ.
Theo Quỹ Heinrich Boll, phần lớn nhựa sinh học hiện nay không thể phân hủy sinh học hoặc ủ phân hoàn toàn. Bà Nathalie Gontard, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Quốc gia Pháp, cho rằng nhựa sinh học thậm chí có thể gây hại, bởi chúng phân hủy thành nhựa siêu nhỏ và nano, gây ô nhiễm môi trường.
Một vấn đề khác là sự thiếu rõ ràng trong định nghĩa "phân hủy sinh học". Thời gian phân hủy của các loại nhựa sinh học rất khác nhau, từ vài tháng đến vài năm, thậm chí lâu hơn. Điều này gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc nhận biết và lựa chọn sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường.
Mặc dù nhựa sinh học có thể giúp giảm lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất, nhưng việc gia tăng nhu cầu đất nông nghiệp để trồng nguyên liệu thô có thể dẫn đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng và cuối cùng là làm tăng lượng khí thải CO2.
Bà Pauline Debrabandere từ tổ chức phi chính phủ Zero Waste cảnh báo về áp lực lên đất nông nghiệp, vốn đang được sử dụng chủ yếu để sản xuất lương thực. Việc chuyển đổi đất sang trồng nguyên liệu cho sản xuất nhựa sinh học có thể gây ra những hệ lụy khó lường về an ninh lương thực.
Nhựa sinh học rõ ràng là một giải pháp tiềm năng, nhưng cần có những nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng hơn về tác động của nó đến môi trường. Đồng thời, cần có những quy định rõ ràng và minh bạch về định nghĩa, tiêu chuẩn và nhãn mác để người tiêu dùng có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt. Chỉ khi đó, nhựa sinh học mới thực sự trở thành một giải pháp "xanh" cho bài toán ô nhiễm nhựa toàn cầu.