Cần xử lý nghiêm vấn nạn “Đất tặc” trên địa bàn xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng. Ảnh Duy Tùng |
Vào dịp cuối năm khi trời hanh khô, sau khi thu hoạch lúa bà con sẽ cày, xới mảnh ruộng của mình để lớp đất này được phơi khô (thường gọi là đổ ải). Lớp đất sau khi đổ ải, sẽ được bơm nước vào chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo. Tuy nhiên, lợi dụng thời điểm người dân phơi đất đổ ải, các đối tượng "đất tặc" ngang nhiên mang máy xúc, ô tô đến vận chuyển đất mang đi bán kiếm lời.
Tình trạng “đất tặc” đang diễn ra rất nhiều tại các vùng nông thôn ngoài thành phố Hải Phòng. Những tình trạng này khiến cho ngành kinh tế nông nghiệp trên địa phương giảm mạnh, vì chất liệu đất kém khiến cho cây trồng chậm phát triển giảm năng xuất cây trồng.
Theo thông tin phản ánh của người dân trên địa bàn xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng. Những ngày vừa qua có rất nhiều xe chở đất ải chạy từ trong làng lên trên đê, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Ngày 19/11, phóng viên Tạp chí Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đã có mặt tại xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng. Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, có một đoàn xe ben trọng tải khoảng hơn 2 tấn, đang vận chuyển đất chạy tấp lập trên đê thuộc địa phận xã Quyết Tiến. Theo xe vận chuyển đất đến khu vực tập kết đất trên đê thuộc địa phận xã Quyết Tiến, phóng viên phát hiện có khoảng hàng chục ngàn khối đất đang được tập kết. Theo tìm hiểu, khu đất này là khu đất nằm trong khu trang trại gà thuộc quản lý của người dân tên Trọng.
khu đất tập kết đất được cán bộ xã xác nhận là khu trang trại gà thuộc quản lý của người dân tên Trọng. Ảnh Duy Mạnh |
Phóng viên tiếp tục theo xe đến khu vực múc đất, khi đến cánh đồng thuộc thôn La Cầu, xã Quyết Tiến thì phát hiện có một máy xúc và hai xe ben đang nối đuôi nhau chờ vào múc đất. Khi phát hiện xe lạ vào khu vực múc đất thì đồng loạt các xe nghỉ không làm nữa và di chuyển đi chỗ khác.
Theo ghi nhận của PV thì cả một đoạn đường đã bị biến dạng, hư hỏng nặng, vào thời điểm thời tiết hanh khô này những phương tiện tham gia giao thông qua đây khiến bụi bay mù mịt, cùng với đó đường thì hư hỏng nặng dẫn đến việc đi lại rất khó khăn.
|
| ||
Chị H người dân gần đó chia sẻ: “Dạo gần đây việc khai thác đất xảy ra thường xuyên, xe ben chạy rầm rập bụi mù không thể thở nổi, mỗi lần tôi ra ruộng thì người trắng tinh toàn bụi bắt vào người. Nếu vào trời mưa thì bẩn lắm đường thì hỏng không thể đi được”.
Một đoạn đường đã bị biến dạng, hư hỏng nặng. Ảnh Trần Đông |
Trao đổi với phóng viên cán bộ xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng cho biết: khu vực tập kết đất được cán bộ xã xác định là khu đất trại gà của ông Trọng, còn đối với người đổ đất về đấy thì xã vẫn chưa xác định được là đối tượng nào, hiện tại xã vẫn đang kiểm tra, xác minh các đối tượng để xử lý.
ngày 18/06/2024, UBND xã Quyết tiến, huyện Tiên Lãng đã lập biên bản xử lý vi phạm đối với ông Đặng Văn Phong với hành vi vận chuyển đất trái phép. |
Được biết, ngày 18/06/2024, UBND xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng đã lập biên bản người đứng ra sử dụng, thuê các phương tiện khai thác và vận chuyển đất là ông Đặng Văn Phong trú tại thôn La Cầu, xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng. Trong nội dung biên bản, ông Đặng Văn Phong thừa nhận việc khai thác đất tại cánh đồng Rộc Rồi (khu đất nông nghiệp) nhằm mục đích vận chuyển cho nhà ông Nguyễn Văn Việt để san lấp ao.
Tuy nhiên, đến nay khu vực tập kết đất đã được UBND xã Quyết Tiến lập biên bản nhưng vẫn chưa được xử lý, mà lại đổ thêm hàng ngàn khối đất vào khu vực đó.
Khu đất UBND xã Quyết Tiến lập biên bản xử lý, yêu cầu khắc phục xử lý trước ngày 02/07/2024. Ảnh ngày 18/06/2024 |
Khu đất UBND xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng lập biên bản xử lý, yêu cầu khắc phục xử lý trước ngày 02/07/2024, không những chưa khắc phục xử lý như trong biên bản mà đến nay lại đổ thêm hàng ngàn khối đất. Ảnh ngày 19/11/2024 |
Đối với người nông dân, ruộng đồng chính là nguồn sống, nguồn thu nhập chính thông qua việc canh tác trồng lúa hoặc cây rau màu. "Đất tặc" ngang nhiên múc trộm lớp đất màu mỡ bên trên làm phá hủy chất lượng đất, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn dinh dưỡng nuôi cây trồng và sản lượng thu hoạch.
Qua sự việc trên đề nghị UBND xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng cần siết chặt quản lý, xử lý nghiêm đối với việc khai thác trộm đất nông nghiệp trên địa bàn.
Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành có hiệu lực ngày 4/10/2024.
1. Hành vi làm suy giảm chất lượng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây: làm mất hoặc giảm độ dày tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây bạc màu, gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp mà dẫn đến làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất đã được xác định thì hình thức và mức xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,05 héc ta; b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta; c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta; d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta; đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên. 2. Hành vi làm biến dạng địa hình thuộc một trong các trường hợp sau đây: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng (trừ hồ thủy lợi) hoặc san lấp nâng cao, hạ thấp bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định (trừ trường hợp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê, được công nhận quyền sử dụng đất hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận) thì hình thức và mức xử phạt như sau: a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,05 héc ta; b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta; c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta; d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta; đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên. 3. Hành vi gây ô nhiễm đất thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 4. Đối với các hành vi vi phạm mà thuộc trường hợp không có tính khả thi để khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo quy định tại khoản 5 Điều này thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền tương ứng quy định tại khoản 1, 2 Điều này, nhưng tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp việc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm không có tính khả thi trên thực địa. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để quy định các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất. |