Tác giả trên cao điểm 1000. |
Anh bạn tôi sau lần trả phép
Có nhánh quỳnh gài trên nắp ba lô
Căn hầm nhỏ ngách hào dẫu chật
Vẫn đủ cho quỳnh trú nắng, trú mưa
Mà lạ lắm từ bữa quỳnh ra nụ
Cánh lính tôi phấp phỏng quá chừng
Như thể là cái đêm hoa nở
Hạnh phúc thiêng liêng sẽ đến với mình
Em đấy ư, kìa, em đấy ư quỳnh
Muôn cánh trắng mở dịu dàng thanh khiết
Có phải em đến trong đạn bom khốc liệt
Dịu những ngày cháy bỏng đất Vị Xuyên
Xin được gọi đây là phút diệu huyền
Bởi đời lính nhiều khát khao mơ mộng
Một chút hương thơm cũng đủ làm
rung động
Khao khát yêu thương bằng cả trái tim
Đồng đội ơi nghẹn giây phút lặng im
Ai ngã xuống ai còn bước tiếp
Hương quỳnh cứ thơm tinh thần bất diệt
Ước vọng hòa bình chất chứa khôn nguôi
Đêm Vị Xuyên trăng vằng vặc giữa trời
Suốt phiên gác tôi cứ thầm trộm nghĩ
Có phải chăng hoa quỳnh chỉ nở
Cho những người lính thức về đêm?!
Vị Xuyên, tháng 6-1986
Biết đến Nông Hải Việt - tác giả của bài thơ “Ý nghĩ về hoa Quỳnh trong đêm Vị Xuyên” khi ông còn làm Tổng biên tập của Tạp chí Dân vận. Và một điều bất ngờ hơn là ông cũng từng là người lính tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là Hà Giang) nơi chiến trường ác liệt được ví như “lò vôi thế kỷ” năm nào. Được biết khi ấy ông còn là “nhà báo chiến trường” có mặt tại các “điểm nóng” của mặt trận Vị Xuyên để kịp thời đưa tin, viết bài cho báo Quân đội Nhân dân, báo Quân khu II, Báo Hà Tuyên và trước hết là phục vụ xuất bản Bản tin “Chiến sỹ Sư đoàn” - một ấn phẩm riêng của Sư đoàn 314 thuộc Quân khu II khi đó.
Với đồng đội bên căn hầm trên đỉnh cao 468 năm xưa. |
Là một nhà báo xung phong vào nơi sinh tử khi chiến tranh biên giới phía Bắc trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” thật đáng tự hào. Những tin bài từ cuộc chiến của những chiến binh cầm bút luôn mang đến cho bạn đọc ở hậu phương những tin tức thời sự nóng hổi về cuộc sống và chiến đấu của bộ đội ta nơi chiến trường Vị Xuyên khốc liệt một thời. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng tinh thần vẫn không hề nao núng, luôn lạc quan, chiến đấu vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và chính trong những tháng ngày gian khổ đó, bài thơ được ra đời như một minh chứng rõ ràng nhất.
Câu chuyện về cây hoa quỳnh được những người lính mang theo sau lần trả phép và trồng ở nơi chiến hào là có thật. Không phụ công người trồng, chăm sóc, không chọn nơi sống dù nơi ấy là bờ chiến hào còn vương mùi khói đạn, cây hoa đã trổ những bông hoa đầu tiên trong đời. Và dĩ nhiên, trong hoàn cảnh đó hoa quỳnh vẫn cứ trắng muốt tinh khôi, tỏa hương ngào ngạt cả gian hầm nhỏ vào một đêm rất Vị Xuyên.
Lời thơ nhẹ nhàng thủ thỉ vào nhịp như một lời tâm sự:
“Anh bạn tôi sau lần trả phép
Có nhánh quỳnh gài trên nắp ba lô
Căn hầm nhỏ ngách hào dẫu chật
Vẫn đủ cho quỳnh trú nắng, trú mưa”
Ở đâu đó trong các trang văn học ta vẫn bắt gặp những hình ảnh anh lính với nhánh lan rừng gài trên ba lô trong những cuộc hành quân. Sẽ không có gì là lạ nếu như tác giả không đưa vào bài thơ loài hoa kiều diễm của quê nhà. Hình ảnh anh lính trẻ sau khi trả phép về lại đơn vị với nhánh quỳnh trên nắp ba lô mới đẹp, mới thơ mộng làm sao.
Nơi chiến hào chật hẹp như thế, sức đâu, không khí đâu để cho nhánh quỳnh có thể sống mà đơm bông. Phải chăng chính sự chăm sóc, coi nhánh quỳnh như một thành viên mới nhỏ bé mong manh cần được che chở nâng niu trước những khốc liệt của súng đạn, lại kiên cường đến vậy. Sau mỗi trận đánh là những giây phút nghỉ ngơi, mong ngóng điều gì đó xuất hiện. Để đền đáp lại sự mong ngóng đó, nhánh quỳnh đã ra nụ thật. Nụ quỳnh xuất hiện như một sự kiện thật đặc biệt, thật thiêng liêng.
Mà lạ lắm từ bữa quỳnh ra nụ
Cánh lính tôi phấp phỏng quá chừng
Như thể là cái đêm hoa nở
Hạnh phúc thiêng liêng sẽ đến
với mình
Sự chờ đợi ngày một rõ hơn khi cánh lính cứ “phấp phỏng quá chừng”. Có lẽ trong sâu thẳm ai cũng có một nỗi niềm riêng được cất vào sâu kín, nỗi niềm riêng chỉ trực chờ có lúc được bày tỏ trong một không gian và thời gian vô cùng hữu hạn, ấy vậy mà vẫn cứ đợi vẫn cứ mơ điều thiêng liêng đẹp đẽ ấy sẽ tới.
Và rồi ngày hạnh phúc đã tới trong căn hầm chật hẹp. Không thể cưỡng được lòng mình tác giả đã thốt lên:
“ Em đấy ư? Kìa em đấy ư, Quỳnh!”
Không thể tin vào mắt mình thứ hạnh phúc có thể nhìn, có thể chạm, có thể ngây ngất bởi hương thơm. Tác giả dùng hình ảnh nhân cách hóa khiến cho bài thơ trở lên đặc biệt hơn. Chính điều này càng tô đậm hơn nỗi khát khao đến cháy bỏng về tình yêu của người lính khi chiến đấu xa nhà. Có thể lắm đóa quỳnh đẹp xinh đó là hình ảnh của người vợ ở quê nhà; Là người yêu gửi gắm bao nhiêu hứa hẹn đợi chờ ngày trở lại; Là người con gái nào đó chưa từng gặp mặt, đã đến hiện diện trong đóa quỳnh, đến để xoa dịu những mất mát đau thương của những tháng ngày chiến tranh khốc liệt.
Hương thơm của hoa cũng được ví như liều thuốc trấn an tinh thần trước những mất mát hy sinh của đồng đội. Vì ước vọng của ngày mai tươi đẹp hơn mà những bước chân cứ gan lì, kiên định bước tiếp trong khói đạn.
Đồng đội ơi nghẹn giây phút lặng im
Ai ngã xuống ai còn bước tiếp
Hương Quỳnh cứ thơm tinh thần
bất diệt
Ước vọng hòa bình chất chứa
khôn nguôi
Ai đã từng đi qua chiến tranh mà không từng khao khát hòa bình, khao khát vòm trời xanh, trong lành yên ả. Với những người lính trận càng rõ ràng hơn. Ranh giới sự sống và cái chết luôn kề cận thì đôi khi chỉ tưởng tượng thôi cũng đủ ấm rồi.
Đêm Vị Xuyên trăng vằng vặc
giữa trời
Suốt phiên gác tôi cứ thầm trộm nghĩ
Có phải chăng hoa Quỳnh chỉ nở
Cho những người lính thức về đêm?!
Người lính thức gác dưới đêm trăng giữa trận địa lại động lòng trước một bông hoa. Sao không là hoa lan, hoa huệ hay một loài hoa núi rừng nào đó mà lại là hoa quỳnh. Phải chăng bông hoa đó là của đồng đội mang từ quê nhà lên với anh em. Hay bông hoa trắng kiều diễm tinh khôi ẩn hình bóng của ai đó. Tất cả đều đúng, đúng cả điều hữu tình hay vô tình mà loài hoa này chỉ nở về đêm. Và cái đêm trăng sáng chỉ có hoa và anh lính gác đã mang về bao suy tưởng, rằng quỳnh chỉ nở cho riêng mình. Chỉ thế thôi mà cũng thỏa mãn rồi.
Giờ đây sau bao nhiêu năm chiến tranh đã lùi xa. Người cựu chiến binh vẫn không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại. Quá khứ đau thương bi tráng đó vẫn luôn âm ỉ trong trái tim những người con đất Việt nói chung và những người lính nói riêng. Hàng trăm hàng ngàn người đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc tại mảnh đất Vị Xuyên anh hùng năm xưa.
Qua bài thơ này chúng ta không những hiểu hơn về những người lính năm ấy mà còn cảm phục trước tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu quê hương, yêu cái đẹp và mưu cầu về hạnh phúc chính đáng.
Đọc xong bài thơ mà tâm trạng cứ lâng lâng cứ ngẫm ngợi mãi về cái “đêm ấy”. Đêm của anh lính, của hoa quỳnh của ánh trăng của tôi và bạn.