Ảnh minh họa. |
Theo Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn 1 tỷ người đang sống trong tình trạng khuyết tật. Và riêng tại Việt Nam, tính đến năm 2022, có hơn 6,2 triệu người khuyết tật. Tuy khiếm khuyết về thể xác, tinh thần nhưng họ vẫn cố gắng nỗ lực và vươn lên. Để tôn vinh họ cũng như nâng cao nhận thức của mọi người về người khuyết tật nên Ngày Quốc tế Người khuyết tật ra đời. Năm 1992, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công bố trong Nghị quyết 47/3 chọn ngày 3/12 là ngày Quốc tế Người khuyết tật.
Ngày Quốc tế Người khuyết tật là ngày lễ, ngày kỉ niệm trong tháng 12 được ra đời nhằm công nhận, tuyên dương những đóng góp của người khuyết tật toàn cầu. Bên cạnh đó còn phổ cập, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi người những gì người khuyết tật phải đối diện và quyền lợi của họ. Nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12, các cơ quan hữu quan tích cực triển khai hỗ trợ về vấn đề tài chính cho những người khuyết tật gặp khó khăn nói riêng và thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý nói chung.
Bên cạnh đó, để hưởng ứng ngày kỷ niệm này còn có lễ kỷ niệm, hội thảo, tuyên truyền. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm đến người khuyết tật. Quốc hội đã ban hành Luật Người khuyết tật. Chính phủ và các Bộ đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật khá toàn diện, đầy đủ nhằm thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong thực hiện các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Hằng năm, có khoảng 19.000 người khuyết tật hoàn cảnh khó khăn được dạy nghề tạo việc làm.
Hưởng ứng ngày hội của người khuyết tật. Các tổ chức, tập thể, cá nhân có liên quan và toàn xã hội đều có các hành động như giao lưu văn nghệ - thể thao, toạ đàm, hội nghị, hội thảo, tư vấn và tuyển dụng việc làm, tư vấn kỹ năng sống, hướng dẫn chăm sóc bảo vệ sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí... Đồng thời vinh danh những tập thể cá nhân người khuyết tật có ý chí vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Quan tâm đến người khuyết tật là trách nhiệm của toàn xã hội./.