Không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ, sau đó đến Bắc Trung Bộ, Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ - Ảnh minh họa. |
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, không khí lạnh ở phía Bắc đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam. Trong sáng nay 4/11, không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ, sau đó đến Bắc Trung Bộ, Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.
Dưới tác động của không khí lạnh, gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4. Ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển lạnh, vùng núi Bắc Bộ có nơi chuyển rét. Từ ngày 5-6/11, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 17-19 độ C, vùng núi có nơi dưới 15 độ C.
Tại Hà Nội, hôm nay trời có mưa, mưa rào; chiều chuyển lạnh với nhiệt độ phổ biến 21-23 độ C, đêm trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 18-20 độ C.
Từ chiều nay, do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa lớn diện rộng và giông; ở phía Đông Bắc Bộ có mưa, mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Trên biển, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 4,0-6,0m.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chủ động ứng phó với rét, đặc biệt là người già, trẻ em và những người có sức đề kháng yếu. Mọi người nên mặc đủ ấm, hạn chế ra ngoài khi trời rét đậm, rét hại và bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi, cây trồng. Ở những vùng có mưa lớn, người dân cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Mọi người nên theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết để có biện pháp phòng tránh kịp thời.
Mưa giông kèm theo các hiện tượng lốc, sét và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.