![]() |
Ấn Độ hiện là nhà xuất khẩu tôm số 1 vào Hoa Kỳ. Ảnh: C.V.Subrahmanyam. |
Chia sẻ với India Times, Ashok Gulati, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chi phí và Giá cả Nông nghiệp Ấn Độ (CACP) khẳng định Ấn Độ tiếp tục duy trì, thậm chí tăng xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Hoa Kỳ, bất chấp việc áp dụng thuế đối ứng mà chính quyền Donald Trump công bố, bắt đầu từ 9/4.
"Chúng ta không nên nhìn nhận mức tăng thuế quan theo nghĩa tuyệt đối, mà hãy căn cứ vào mức tăng thuế quan tương đối so với các đối thủ cạnh tranh", Ashok Gulati chia sẻ.
Theo Ashok Gulati thì mức thuế đối ứng 26% mà Ấn Độ phải chịu vẫn thấp hơn so với một số đối thủ xuất khẩu nông sản, thủy sản vào Hoa Kỳ. Chẳng hạn, so với mức thuế đối ứng mà Hoa Kỳ áp với Trung Quốc 34%, thì các nhà xuất khẩu Ấn Độ có lợi thế so sánh 8%.
Dù thừa nhận trong ngắn hạn, các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Ấn Độ, trong đó có tôm và gạo, sẽ bị tác động, Gulati tin tưởng chất lượng và thị phần ổn định của các nhóm sản phẩm này sẽ sớm phục hồi.
Theo thống kê, Ấn Độ chiếm khoảng 10% tổng giá trị thủy sản Hoa Kỳ nhập khẩu mỗi năm. Riêng tôm, Ấn Độ là số 1, chiếm từ 35-40% thị phần tại Hoa Kỳ.
Ấn Độ có lợi thế về chi phí lao động thấp, hạ tầng chế biến phát triển, và chính sách hỗ trợ xuất khẩu mạnh. Nếu Hoa Kỳ tăng thuế, giá tôm Ấn Độ nhiều khả năng vẫn rẻ hơn sản phẩm từ các quốc gia khác, khiến việc tìm nguồn hàng thay thế đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ là điều khó khăn.
Ngoài ra, Chính phủ và khối tư nhân cũng dành nhiều sự quan tâm, ủng hộ tới ngành hàng tôm, đặc biệt là trong vấn đề ứng dụng, chuyển đổi khoa học công nghệ.
Gulrej Alam, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất thức ăn cho tôm Ấn Độ đồng tình với quan điểm này. Ông cho biết, đất nước của mình sở hữu năng lực xử lý hàng rời và chất lượng đóng gói vượt trội. "Về lâu dài, các hoạt động thương mại có lẽ sẽ vượt qua được thách thức từ thuế quan", ông nói thêm.
Về xuất khẩu gạo, nơi mức thuế quan hiện tại của Hoa Kỳ là 9%, Ấn Độ vẫn duy trì khả năng cạnh tranh với hai đối thủ mạnh khác là Việt Nam và Thái Lan, dù bị tăng thuế lên 26%.
Vijay Sethia, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ thông tin, mỗi năm nước này xuất khẩu từ 250.000 đến 300.000 tấn gạo sang Hoa Kỳ. Trong đó, nước này chiếm đến hơn 80% thị phần về gạo Basmati, một loại gạo thơm, hạt dài, bán ở phân khúc trung - cao cấp. Đây có thể coi là thị trường ngách, bởi Việt Nam và Thái Lan không sản xuất loại gạo này.
Năm 2024, Ấn Độ thặng dư thương mại khoảng 45 tỷ USD với Hoa Kỳ. Trong báo cáo của tổ chức Sáng kiến Nghiên cứu Thương mại Toàn cầu (GTRI), tác động của thuế đối ứng với hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Hoa Kỳ năm 2025 sẽ ở mức nhẹ và chỉ một số sản phẩm sẽ gặp bất lợi trong tình hình mới.
GTRI cũng dự báo, giá trị xuất khẩu của Ấn Độ sang Hoa Kỳ sẽ giảm khoảng 6,4%, tương tương 5,8 tỷ USD trong năm 2025, nhưng có thể phục hồi trở lại vào năm sau.
Hiện Hải quan Ấn Độ tăng cường tốc độ thông quan các lô hàng, nhằm kịp rời cảng trước ngày 9/4, thời điểm thuế đối ứng có hiệu lực.
Quốc gia Nam Á cũng "quen" với những cuộc chiến thương mại, do nhiều lần bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp trong quá khứ. "Ấn Độ có kinh nghiệm phản ứng và thường vẫn giữ được thị phần nhờ điều chỉnh giá, đàm phán song phương, hoặc chuyển hướng phần nào sang các thị trường khác như EU, Nhật, Hàn Quốc...", India Times nhận xét.