![]() |
Tuy nhiên, sau hơn 15 năm, Luật Năng lượng nguyên tử bộc lộ nhiều hạn chế, không còn phù hợp với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ hạt nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế - Ảnh minh họa. |
Ứng dụng năng lượng nguyên tử đã mang lại những bước tiến vượt bậc cho nhân loại, từ sản xuất điện năng đến các ứng dụng trong y tế, nông nghiệp và công nghiệp. Việt Nam cũng đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực này và ban hành Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008, tạo nền tảng pháp lý cho việc phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Tuy nhiên, sau hơn 15 năm, Luật Năng lượng nguyên tử bộc lộ nhiều hạn chế, không còn phù hợp với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ hạt nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế. Sự chồng chéo trong quản lý nhà nước, những quy định chưa rõ ràng về an toàn, an ninh hạt nhân, cùng với thiếu cơ chế khuyến khích xã hội hóa đang cản trở sự phát triển của lĩnh vực này.
Trước thực tế đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang khẩn trương xây dựng dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các dự án hạt nhân trọng điểm quốc gia như Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai. Việc sửa đổi luật được kỳ vọng sẽ giải quyết những vướng mắc hiện tại, thúc đẩy phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử một cách an toàn, hiệu quả.
Dự thảo luật sẽ tập trung vào các chính sách quan trọng, bao gồm: thúc đẩy phát triển và xã hội hóa ứng dụng năng lượng nguyên tử thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, nghiên cứu và phát triển; nâng cao an toàn bức xạ, an toàn, an ninh hạt nhân với các quy định rõ ràng, chi tiết, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế; hoàn thiện cơ chế quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, cùng với trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân, góp phần đảm bảo an toàn cho môi trường và cộng đồng.
Bên cạnh việc sửa đổi luật, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang triển khai các hoạt động quan trọng khác, như xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia về công nghệ và an toàn điện hạt nhân, rà soát và đề xuất kế hoạch bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực.