Địa bàn tỉnh Lào Cai bị ảnh hưởng do hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn kéo dài, ngập lụt và sạt lở diện rộng - Ảnh minh họa. |
Cơn bão số 3 đã gây ra những thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ đêm ngày 7/9 đến ngày 9/9. Những trận mưa lớn kéo dài đã gây ra ngập lụt và sạt lở diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Từ đêm ngày 7/9 đến sáng ngày 9/9, tỉnh Lào Cai đã phải hứng chịu mưa to đến rất to trên diện rộng do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3. Lượng mưa đo được tại 49 trạm khí tượng cho thấy mức mưa dao động từ 125,2mm đến 474,6mm, trong đó có 34 trạm đo được lượng mưa trên 200mm. Đặc biệt, mực nước trên các sông suối đang dâng cao, lũ trên sông Hồng tại Lào Cai và Bảo Hà đã vượt mức báo động III lần lượt là 2,77m và 3,75m. Sông Chảy tại Bảo Yên cũng ghi nhận tình trạng nước dâng cao chậm, trong khi suối Nhù tại Văn Bàn đang trong tình trạng lũ dưới mức báo động II. Nhiều xã vùng hạ du thuộc các huyện Bắc Hà và Bảo Yên đã bị ngập úng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ cô lập.
Thiệt hại về người và tài sản đang tăng lên theo từng giờ khi mưa lũ vẫn tiếp diễn. Tính đến 15h ngày 9/9, đã có 43 người thương vong tại các huyện Sa Pa, Văn Bàn, Bắc Hà và Si Ma Cai. Hiện có 12 người đang mất tích, tập trung tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát. Ngoài ra, 14 người khác bị thương nặng và đang được điều trị tại các bệnh viện địa phương.
Về thiệt hại nhà ở, tổng cộng 1.109 ngôi nhà bị ngập nước, sạt lở hoặc bị lũ cuốn trôi. Các huyện chịu ảnh hưởng lớn nhất bao gồm Bảo Yên với 518 ngôi nhà, Bảo Thắng 361 nhà và Bát Xát với 97 nhà. Đặc biệt, khu dân cư TDP Phố Thầu tại thị trấn Si Ma Cai đang đối diện với nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của 20 hộ dân.
Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp rất nghiêm trọng. Diện tích lúa bị ảnh hưởng lên đến 892,32 ha, chủ yếu ở huyện Bảo Yên với 466,14 ha và Văn Bàn với 269,69 ha. Các loại hoa màu như ngô và sắn cũng không tránh khỏi thiệt hại, với diện tích bị ảnh hưởng lần lượt là 475,04 ha và 14,8 ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản thiệt hại 28,35 ha, phần lớn tập trung tại huyện Văn Bàn và Bảo Thắng. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc gia cầm cũng chịu tổn thất lớn, với 15 con trâu bị lũ cuốn trôi và 70 con gia cầm bị chết.
Về cơ sở hạ tầng cũng diễn ra nghiêm trọng, giao thông trên nhiều tuyến quốc lộ và tỉnh lộ bị gián đoạn do sạt lở, ngập úng. Các tuyến quốc lộ 4, 4D, 279, 70 gặp tình trạng sạt lở taluy dương và taluy âm nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Ngoài ra, 88 tuyến đường do huyện và xã quản lý cũng bị hư hỏng, sạt lở tại hàng trăm điểm, khiến nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn. Trong lĩnh vực thủy lợi, 9 công trình thủy lợi tại các huyện Văn Bàn, TP Lào Cai và Bảo Yên đã bị hư hỏng nặng, gây ảnh hưởng đến việc tưới tiêu và sinh hoạt của người dân. Nhiều công trình thủy lợi quan trọng như kênh Tạng Nốt, mương Đồng Liêm và công trình thủy lợi Lâm Sinh tại xã Liêm Phú đều bị sạt lở và hư hỏng.
Các trạm y tế xã Yên Sơn bị ngập nước, ảnh hưởng đến trang thiết bị y tế. Ngoài ra, 7 trường học tại huyện Si Ma Cai bị thiệt hại nghiêm trọng do sạt lở đất và ngập lụt, bao gồm trường tiểu học số 1 xã Lùng Thẩn và trường liên cấp Nàn Sín. Hàng trăm học sinh đã được di chuyển đến nơi an toàn để tránh nguy cơ sạt lở.
Thiệt hại khác bao gồm sét đánh và chập cháy đã gây thiệt hại cho hệ thống điện và viễn thông trên nhiều địa bàn. Cụ thể, nhiều cột điện và đường dây bị gãy đổ, trong đó có một số đoạn đường dây viễn thông dài hàng trăm mét bị đứt. Một số hộ gia đình cũng bị thiệt hại nặng nề về tài sản, như xe máy, ô tô và chuồng trại gia súc bị ngập hoặc cuốn trôi.
Ngay sau khi nhận được các công điện từ Chính phủ và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các cơ quan chức năng tại tỉnh Lào Cai đã khẩn trương triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả. UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh. Lực lượng chức năng cùng với quân đội, công an và dân quân tự vệ đã tiến hành di chuyển khẩn cấp hàng ngàn hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, ngập lụt, đồng thời tiến hành tìm kiếm cứu nạn tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Sa Pa và Bát Xát. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của tỉnh đã phối hợp với các sở ngành, đoàn thể để hỗ trợ người dân khắc phục nhà ở, ổn định đời sống sau lũ.
Lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng đã trực tiếp đến các vùng bị thiệt hại nặng để chỉ đạo công tác cứu hộ, thăm hỏi và hỗ trợ các gia đình có người bị thiệt mạng. Đặc biệt, Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai đã đến kiểm tra công tác phòng chống và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Bát Xát. Công tác khắc phục thiệt hại đang được tiến hành khẩn trương, trong đó ưu tiên giải quyết tình trạng sạt lở, đảm bảo giao thông và khôi phục hệ thống thủy lợi để người dân sớm ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức nhiều đoàn công tác để trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn và triển khai các biện pháp phòng tránh thiên tai, hạn chế thiệt hại trong thời gian tới.
Trong bối cảnh mưa lũ vẫn tiếp tục xảy ra, công tác ứng phó và rà soát thiệt hại sẽ được triển khai liên tục nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của thiên tai đối với người dân Lào Cai.
Huy động cả hệ thống chính trị để khắc phục hậu quả bão |
Mưa lũ sau bão số 3 gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền núi phía Bắc |
Cảnh báo Thái Nguyên mưa lớn, ngập lụt trên diện rộng |