UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, bệnh tiêu chảy xuất hiện trên đàn bò sữa tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng từ ngày 26/7/2024. Lũy kế đến ngày 07/8/2024 đã có 3.670 con (bê, bò sữa) của 163 hộ trên địa bàn 5 xã bị bệnh, trong đó, có 68 con (của 36 hộ) bị chết.
Nhiều con bò sữa tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bị chết do bệnh tiêu chảy |
Theo kiểm tra lâm sàng và nhận định ban đầu của cơ quan chuyên môn, thì bò mắc bệnh tiêu chảy có thể do thời tiết mưa nhiều trong suốt tháng 7, môi trường ẩm ướt, kết hợp sức đề kháng của bò giảm sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, tạo điều kiện vi sinh vật cơ hội tấn công gây gây rối loạn đường tiêu hóa.
Từ sự việc trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cục Thú y khẩn trương xác định nguyên nhân xảy ra bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa để hướng dẫn giải pháp phòng chống bệnh hiệu quả, đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện Đơn Dương và Đức Trọng triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa, không để tiếp tục lây lan diện rộng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã kiểm tra thực tế, làm việc với UBND huyện Đơn Dương, Đức Trọng về tình hình bệnh tại các hộ chăn nuôi có bò mắc bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống, đồng thời, phối hợp với UBND huyện Đức Trọng và Đơn Dương, Trung tâm Nông nghiệp huyện và UBND các xã đã tổ chức các buổi làm việc với các hộ chăn nuôi có bò bị bệnh tại xã Ka Đô, Quảng Lập, Tu Tra và Hiệp Thạnh để nắm bắt tình hình, động viên, hướng dẫn các hộ chăn nuôi điều trị bò bị bệnh.
Chỉ đạo các địa phương tạm dừng việc tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò trên địa bàn toàn tỉnh để tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân đàn bò sữa bị tiêu chảy.
Cấp hóa chất để các địa phương thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng chống bệnh và định kỳ đợt III/2024 trên địa bàn toàn tỉnh.
Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Thú y, các cơ quan chuyên môn hỗ trợ địa phương sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh, các giải pháp khống chế, phòng, chống để bệnh không tiếp tục phát sinh và lây lan, giúp người chăn nuôi ổn định sản xuất, đồng thời, lấy mẫu kiểm tra, đánh giá tác dụng phụ của vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục NAVET- LPVAC của Công ty Cổ phần thuốc Thú y Trung ương Navetco.