![]() |
Hình ảnh căn nhà bị tốc mái, hư hại do gió mạnh tại huyện Tu Mơ Rông |
Theo ghi nhận, lượng mưa đo được dao động từ 0,6 mm đến 31,0 mm. Dù không xảy ra mưa lớn kéo dài, nhưng gió mạnh đã gây nhiều hậu quả cho các khu dân cư tại các xã trong huyện, đặc biệt là tại xã Đăk Na, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong đợt thiên tai này, rất may không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, thiệt hại về tài sản lại khá lớn. Cụ thể, tại xã Đăk Na có tới 16 căn nhà bị tốc mái, tập trung tại các thôn Mô Bành 1, Đăk Riếp 2, Đăk Rê 1, Hà Lăng, Ba Ham và Mô Bành 2. Ngoài ra, các xã Đăk Tờ Kan và Đăk Sao cũng có một số căn nhà bị ảnh hưởng, lần lượt là 1 căn và 2 căn bị tốc mái, ước tính riêng hai xã này thiệt hại hơn 26 triệu đồng.
Đặc biệt, Nhà Rông – một công trình văn hóa đặc trưng của người dân Tây Nguyên tại thôn Mô Bành 1, xã Đăk Na, cũng bị sập mái do ảnh hưởng của gió lớn. Bên cạnh đó, 2 bảng tuyên truyền piano tại thôn Mô Bành 2 và Đăk Riếp 2 cũng bị gãy, làm gián đoạn công tác thông tin tuyên truyền tại địa phương.
Thiên tai cũng khiến một số cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng. Tại xã Đăk Na, vườn ươm cà phê ở thôn Đăk Riếp 2 bị bay mái che với diện tích thiệt hại khoảng 800 m², đe dọa tới quá trình sinh trưởng của cây giống và kế hoạch sản xuất nông nghiệp sắp tới. Các lĩnh vực khác như giao thông, thủy lợi, trụ sở cơ quan hiện chưa phát hiện thiệt hại đáng kể, song chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục kiểm tra, rà soát nhằm đánh giá đầy đủ mức độ ảnh hưởng của đợt thiên tai.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo các xã huy động lực lượng xung kích thực hiện giằng néo, sửa chữa nhà cửa bị tốc mái. Các hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đã được hỗ trợ di dời đến nơi an toàn. Song song với công tác khắc phục, các xã còn phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức kiểm kê, đánh giá thiệt hại và đề xuất giải pháp xử lý, hỗ trợ người dân khôi phục sinh hoạt và sản xuất. Ban chỉ huy cũng yêu cầu các đơn vị và địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, cảnh báo kịp thời cho người dân, đặc biệt tại những khu vực ven sông, suối, hồ đập có nguy cơ cao sạt lở hoặc lũ quét để chủ động triển khai phương án sơ tán dân khi cần thiết.
Đợt thiên tai vừa qua tại huyện Tu Mơ Rông cho thấy, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp và khó lường, cho nên việc nâng cao năng lực dự báo, tăng cường hệ thống cảnh báo sớm và chuẩn bị sẵn các phương án ứng phó sẽ là yếu tố then chốt giúp giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân trong những đợt thiên tai tiếp theo./.