![]() |
Thành phố Hải Phòng tăng cường thanh tra, kiểm tra hậu mại và chống buôn lậu, gian lận trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, kém chất lượng. Ảnh: Minh họa |
Trong thời gian qua TP.Hải Phòng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến buôn bán mỹ phẩm giả, kém chất lượng. Các cơ sở sản xuất, phân phối mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ thường bày bán công khai trên các trang mạng xã hội lẫn các cửa hàng kinh doanh. Việc này không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đến sức khỏe người dân. Khi mỹ phẩm giả tràn lan, người tiêu dùng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, từ đó tạo ra sự bất bình đẳng trong thị trường với những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Để đối phó với tình trạng này, chính quyền thành phố Hải Phòng đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản 3802/VP-VX yêu cầu các Sở, ngành thành phố, UBND cấp huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra hậu mại, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng hóa là mỹ phẩm.
Trước đó, ngày 2/5/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 55/CĐ-TTg về tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường chỉ đạo các Sở, ban, ngành thành phố, UBND cấp huyện tập trung thực hiện một số nội dung:
Kiểm soát chất lượng mỹ phẩm: Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Tập trung vào việc kiểm tra các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa công bố theo quy định hoặc có ghi nhãn sai lệch. Tổ chức hậu kiểm định kỳ hoặc đột xuất, lấy mẫu mỹ phẩm đang lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm chất lượng.
Xử lý nghiêm các vi phạm: Giao Công an thành phố, Sở Công Thương, Chi cục Hải quan khu vực III, Chi cục Thuế khu vực III và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả, không đảm bảo chất lượng.
Các sản phẩm vi phạm sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định. Trong trường hợp nghiêm trọng, có dấu hiệu là hàng giả hoặc gây hại cho người tiêu dùng, sản phẩm sẽ bị tiêu hủy.
Đối với UBND các quận, huyện cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra và tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng để kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực mỹ phẩm, đồng thời kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố và Bộ Y tế theo quy định.
Song song với đó, công tác truyền thông cũng cần được đẩy mạnh nhằm phổ biến pháp luật về quản lý mỹ phẩm đến cộng đồng, doanh nghiệp và người tiêu dùng, qua đó nâng cao nhận thức, tăng cường cảnh giác và khuyến khích người dân chủ động tố giác các hành vi vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường yêu cầu các Sở, ngành, địa phương phải nghiêm túc triển khai các nội dung chỉ đạo, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý mỹ phẩm nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.