![]() |
PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Việt Nam và bà Lê Thị Thiết - Chủ tịch Hội Văn hóa ẩm thực Nam Định trao giải Đặc biệt cho em Chu Thùy Trang trong Cuộc thi tìm hiểu về nghề phở truyền thống làng Vân Cù. |
Lễ hội truyền thống phở Vân Cù 2025 do Hiệp hội Ẩm thực Nam Định, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, thương hiệu Chin-su - Công ty Cồ phần hàng tiêu dùng Masan Consumer cùng phối hợp Chi hội phở làng Vân Cù tổ chức.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, ông Cồ Như Đồi – Chủ nhiệm Chi hội phở Vân Cù cho biết: Làng Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực từ lâu đã được biết đến là một trong những “cái nôi” của nghề phở Việt Nam. Từ những người nấu phở đầu tiên qua các thế hệ người làm nghề phở nơi đây, tinh hoa phở đã lan tỏa khắp mọi miền đất nước, trở thành món ăn mang đậm hồn cốt văn hóa Việt.
![]() |
Biểu diễn văn nghệ chào mừng Lễ hội phở làng Vân Cù năm 2025. |
“Trong năm 2024, "Tri thức dân gian Phở Nam Định tỉnh Nam Định" đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định giá trị độc đáo và sức sống bền bỉ của nghề phở quê hương” – ông Cồ Như Đồi cho biết thêm.
Theo ông Cồ Như Đồi, phỏ Vân Cù mang hương vị đặc trưng mà khó nơi nào có được. Bí quyết nằm ở nước dùng ngọt thanh, được hầm từ xương bò suốt nhiều giờ, kết hợp với các loại gia vị truyền thống như quế, hồi, thảo quả. Ngoài ra, bánh phở được làm thủ công, mềm dai, trắng mịn, không hàn the, đảm bảo độ tươi ngon. Thịt bò được chọn lọc kỹ lưỡng thường là loại bò ta, mềm và ngọt tự nhiên. Khi kết hợp lại, tạo nên một tô phở đậm đà, tinh tế làm hài lòng ngay cả những khách hàng khó tính nhất.
![]() |
Các đại biểu tham dự khai mạc Lễ hội truyền thống phở làng Vân Cù. |
Những bí quyết ấy được truyền từ đời này đến đời khác để lưu giữ giá trị cốt lõi của hương vị phở Vân Cù, làm giàu thêm cho văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Trong lễ hội, Ban Tổ chức đã thực hiện các nghi lễ truyền thống như: Lễ rước kiệu, thành kính dâng các sản phẩm phở lên Thành hoàng làng. Ngoài ra còn tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống hấp dẫn như: biểu diễn trống hội, hát chèo, ca nhạc quê hương, giao lưu cờ tướng, đi cầu kiều, bắt vịt dưới ao, leo cột mỡ, đua xe đạp chậm, bịt mắt đập niêu, bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt lợn...
Tại Lễ hội truyền thống phở Vân Cù năm 2025 có trưng bày các gian hàng để du khách có thể tham quan, tìm hiểu quy trình tráng bánh phở thủ công; chế biến nước dùng, các công đoạn làm nên món phở bò Vân Cù.
![]() |
Du khách xếp hàng chờ thưởng thức phở Vân Cù. |
Đặc biệt, Ban Tổ chức còn trao giải Cuộc thi tìm hiểu về nghề phở truyền thống làng Vân Cù dành cho học sinh trung học cơ sở Đông Sơn, trong đó có 1 giải đặc biệt, 1 giải nhất, 2 giải nhì và 3 giải ba, 5 giải khuyến khích.
Tại lễ hội, hơn 50 nghệ nhân từ Chi hội Phở Vân Cù đã chuẩn bị khoảng 6.000 bát phở để phục vụ thực khách, mang đến cơ hội thưởng thức phở chính gốc cho hàng nghìn du khách thập phương.
Hoạt động này không chỉ là dịp để du khách thưởng thức phở mà còn mang ý nghĩa sâu sắc lan tỏa giá trị của phở Vân Cù – một di sản ẩm thực của Nam Định, đồng thời khơi dậy niềm tự hào về văn hóa ẩm thực Việt.
![]() |
Dự kiến có khoảng 6.000 bát phở để phục vụ thực khách. |
Ông Cồ Như Đồi bày tỏ mong muốn, qua Lễ hội truyền thống phở Vân Cù này, anh em trong chi hội phở Vân Cù tiếp tục có những định hướng và phát triển tốt hơn với nghề, đưa thương hiệu phở Vân Cù đến với nhiều thực khách ở các tỉnh, thành trong nước và ra cả nước ngoài.
“Các hoạt động tại lễ hội không chỉ góp phần tôn vinh những giá trị truyền thống mà còn thể hiện sức sống bền bỉ, khả năng thích nghi và phát triển của nghề phở trong nhịp sống hiện đại. Đây cũng là tiền đề để các hội viên trong chi hội phở Vân Cù hướng tới Festival Phở 2025, sẽ được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội trong thời gian sắp tới” – ông Cồ Như Đồi khẳng định.