![]() |
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được |
Theo thống kê, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận 07 trường hợp tử vong do dại, trong đó có 01 trường hợp tại Gia Lai. Trên địa bàn tỉnh cũng đã phát hiện 02 trường hợp chó nghi bệnh Dại cắn người tại huyện Krông Pa và Mang Yang. Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh Dại xảy ra trên địa bàn là rất lớn.
Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương, ngoài những kết quả đạt được, công tác phòng, chống bệnh Dại vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại như: nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh còn thấp, cách phòng chống bệnh Dại cả trên người và trên vật nuôi hạn chế, công tác thông tin, tuyên truyền mang lại hiệu quả chưa cao, chưa thực hiện truyền thông học đường theo chỉ đạo của UBND tỉnh…
Bên cạnh đó, việc quản lý nuôi chó mèo tại địa phương còn rất lỏng lẻo, chưa kê khai hoạt động chăn nuôi, chưa lập số quản lý chó, mèo hoặc triển khai nhưng tỷ lệ đạt rất thấp, người dân chủ yếu nuôi chó mèo thả rông và việc xử lý các trường hợp vi phạm còn bỏ ngỏ.
Việc bố trí kinh phí cho công tác phòng chống bệnh Dại tại các huyện, thị xã, thành phố còn rất hạn chế, có địa phương nhiều năm liền không bố trí kinh phí cho công tác này, trong khi việc xã hội hóa hoạt động tiêm phòng chưa được quan tâm đúng mức và gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo còn ở mức thấp, các điểm tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng Dại trên người hiện toàn tỉnh chỉ có 38 điểm tiêm dịch vụ của tư nhân, không có điểm của Nhà nước nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tư vấn, hướng dẫn điều trị dự phòng …
Để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh Dại, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện nhiều biện pháp.
Cụ thể, giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về phòng chống bệnh Dại theo chỉ đạo của UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên người và động vật, thực hiện tốt công tác quản lý đàn chó, mèo nuôi, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bệnh Dại, xây dựng ít nhất một cơ sở điều trị dự phòng tại mỗi địa bàn cấp huyện, tổ chức lấy mẫu xác định nguyên nhân khi phát hiện chó, mèo nghi bệnh Dại, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các trường hợp tử vong và chó nghi dại cắn người.
Đối với Chi cục Chăn nuôi và Thú y có nhiệm vụ theo dõi, phối hợp, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch phòng chống bệnh Dại, thường xuyên phối hợp trong việc giám sát tình hình bệnh trên động vật, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển chó, mèo ra, vào địa bàn tỉnh, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong việc chia sẻ thông tin, truy vết, điều tra dịch tễ và xử lý ổ bệnh Dại, theo dõi, tổng hợp tham mưu, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống bệnh Dại động vật.
UBND tỉnh Gia Lai kêu gọi người dân nâng cao ý thức về phòng, chống bệnh Dại, thực hiện nghiêm các quy định về nuôi, quản lý chó mèo, chủ động tiêm phòng cho vật nuôi và đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời khi bị chó mèo cắn./.