![]() |
Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi |
Theo Kết luận thanh tra, Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi tiền thân là Nông trường quốc doanh Thắng Lợi được thành lập theo Quyết định 103/QĐ-UB, ngày 1/3/1977 của UBND tỉnh Đắk Lắk. Ngày 27/10/1992, Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước lấy tên là Nông trường cà phê Thắng Lợi, đến năm 1996 đổi tên thành Công ty cà phê Thắng Lợi; năm 2007 đổi tên thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cà phê Thắng Lợi.
Năm 2016, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cà phê Thắng Lợi thực hiện cổ phần hóa và đến ngày 9/10/2019, Công ty Cổ phần cà phê Thắng lợi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu.
Trước đó, kể từ khi được thành lập, trên diện tích đất được giao, Nông trường quốc doanh Thắng Lợi đã tập trung khai hoang để trồng cà phê. Từ năm 1977 đến năm 1979, Nông trường khai hoang được 2.000ha. Sau khi khai hoang đất, Nông trường đã triển khai trồng cà phê, trong 4 năm 1977, 1978, 1979, 1980 trồng mới được 1.549, 19 ha. Tuy nhiên, lực lượng lao động chưa am hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thiếu phân bón, nguồn nước ...nên cà phê bị chết, phải thanh lý 1.299, 69 ha.
Từ những năm 1987, Nông trường quốc doanh Thắng Lợi đã tiến hành giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân và người ngoài đơn vị để trồng cà phê, phát triển kinh tế gia đình với mức giao đất mỗi hộ từ 0,3 ha đến 0,5 ha. Người được giao đất tự bỏ vốn trồng và chăm sóc vườn cây cà phê, thu hoạch và hưởng lợi 100 % sản phẩm.
Từ năm 2004 đến nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cà phê Thắng Lợi đã ký và thực hiện 1.107 hợp đồng liên kết trồng cà phê với các hộ dân trên diện tích 616,4 ha nhưng các điều kiện ràng buộc nghĩa vụ trong hợp đồng quá sơ sài, thực tế là giao đất của Nhà nước cho các cá nhân khác khai thác, sử dụng mà không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước (kể cả tiền thuê đất), cho thấy việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước (đất công) là sai chế độ quy định và không mang lại hiệu quả kinh tế cho Nhà nước và doanh nghiệp.
Công ty ký hợp đồng trồng cà phê với các hộ, nhưng không góp vốn đầu tư trồng cà phê cũng như chi phí sản xuất hằng năm; các hộ liên kết tự trồng, chăm sóc cà phê và hưởng 100% sản phẩm trồng trọt, không phải nộp cho công ty. Hình thức hợp đồng liên kết trồng cà phê với các nội dung như trên là không đúng với quy định.
Công ty không thực hiện điều chỉnh hợp đồng liên kết trồng cà phê đã ký trước đây với các hộ dân khi Nghị định số 135/2005/NĐ-CP được ban hành mà vẫn tiếp tục ký kết hợp đồng liên kết trồng cà phê (không đúng quy định) vào các năm sau. Kiểm toán Nhà nước đã nhiều lần có kết luận và chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm và đề nghị công ty xây dựng phương án giao khoán trên diện tích 616,4 ha đất liên kết trồng cà phê. Tuy nhiên, công ty không thực hiện, đến tháng 9/2022, công ty mới xây dựng phương án khoán và lấy ý kiến của các hộ liên kết thì các hộ không thống nhất và tiếp tục đề nghị chuyển giao đất về cho địa phương quản lý. Do đó, đến nay toàn bộ 1.107 hợp đồng liên kết trồng cà phê vẫn còn tồn tại.
Từ năm 2011, các hộ dân đang sử dụng diện tích đất này liên tục có đơn kiến nghị UBND tỉnh thu hồi và bàn giao diện tích 616,4 ha đất liên kết trồng cà phê về địa phương quản lý để giao lại cho họ tạo nên tình hình khiếu kiện đông người, gay gắt, kéo dài đến nay.
Thanh tra tỉnh Đắk Lắk xác định, trách nhiệm về những sai phạm nêu trên thuộc về Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cà phê Thắng Lợi qua các thời kỳ, từ năm 2004 đến thời điểm thực hiện cổ phần hóa (ký hợp đồng liên kết trồng cà phê không đúng quy định; báo cáo không đúng thực tế về hiệu quả sử dụng đất của doanh nghiệp…).
Theo đó, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Cổ phần cà phê Thắng Lợi và các cơ quan chức năng, đơn vị có liên quan rà soát, thực hiện các thủ tục theo quy định, trình UBND tỉnh quyết định thu hồi diện tích 616,4 ha đất cà phê trồng liên kết giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cà phê thắng lợi với các hộ dân tại huyện Krông Pắc để giao về địa phương quản lý theo quy định tại Điều 181, Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đất đai hiện hành.
Liên quan đến việc, thực hiện trình tự cổ phần hóa và chuyển giao từ doanh nghiệp cổ phần hóa sang công ty cổ phần còn một số tồn tại, khuyết điểm. Thanh tra tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cà phê Thắng Lợi, Đơn vị tư vấn và các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục cổ phần hóa theo quy định để đảm bảo cơ sở pháp lý hoạt động theo đúng quy định.
Từ đó có cơ sở để rà soát phương án khoán, đàm phán và ký kết lại hợp đồng giao khoán theo tên gọi pháp nhân mới sau khi cổ phần hóa với các hộ nhận khoán nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên theo quy định, tránh khiếu kiện đông người làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương.../.