Dây chuyền sản xuất hiện đại Nhật Bản, với hệ thống chiết xuất đa năng, cô đặc tuần hoàn chân không, công suất 100 kg cao/mẻ của Công ty TNHH HATODO. Ảnh Quốc Sơn |
Nhận thấy giá trị, tiềm năng của cây hà thủ ô đỏ và một số cây dược liệu quý ở huyện Bảo Lạc, có nhiều công dụng bồi bổ sức khỏe, là thành phần quan trọng trong các phương thuốc y học cổ truyền, đang bị suy kiệt nguồn giống do người dân khai thác, sử dụng trong tự nhiên chưa hiệu quả, không tận dụng đúng giá trị, gây thất thoát, lãng phí nguồn dược liệu.
Với kỳ vọng khai thác, phát triển nguồn giống, trồng, sơ chế, chế biến, sản xuất cao và một số sản phẩm từ cây dược liệu hà thủ ô đỏ theo tiêu chuẩn GACP–WHO (các nguyên tắc, tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng và hiệu quả dược liệu). Góp phần tạo việc làm lao động nông thôn, tăng thu nhập, thực hiện giảm nghèo bền vững.
Công ty TNHH HATODO (gọi tắt Công ty) tại thị trấn Bảo Lạc (Bảo Lạc) hoạt động trong lĩnh vực: trồng, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ cây dược liệu, cây hương liệu, cây gia vị và chế biến lúa gạo… Năm 2018 được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Cao Bằng tư vấn, hỗ trợ, Công ty thực hiện Dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu hà thủ ô đỏ tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng”.
Giám đốc Công ty Ninh Văn Tuyến cho biết, Công ty đã nghiên cứu, ứng dụng thành công mục tiêu Dự án. Xây dựng 2.000 m2 vườn ươm sản xuất, nhân giống hà thủ ô đỏ, cung ứng giống, phát triển vùng trồng, tạo nguyên liệu phục vụ sản xuất. Năm 2024, Công ty cung ứng hơn 50.000 cây giống hà thủ ô đỏ và sẽ tiếp tục mở rộng vườn ươm lên 1 ha.
Để đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất, Công ty đầu tư phát triển vùng trồng theo chuỗi liên kết cung ứng cây giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng hà thủ ô đỏ cho người trồng. Diện tích vùng trồng hà thủ ô đỏ huyện Bảo Lạc hiện có gần 30 ha, trong đó diện tích vùng trồng tập trung của Công ty 20 ha tại 7 xã, thị trấn Bảo Lạc, người dân trồng không tập trung tại các xã khác trong huyện hơn 9 ha. Công ty mở rộng vùng trồng thử nghiệm hà thủ ô đỏ ra các tỉnh: Lạng Sơn 1 ha, Bắc Giang 0,5 ha, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) 2 ha.
“Hàng năm, Công ty tiêu thụ hơn 100 tấn củ hà thủ ô tươi ra thị trường, chủ yếu bán cho Công ty cổ phần Tây Bắc tivi Lai Châu. Công ty đang có kế hoạch mở rộng thêm 50 ha trồng hà thủ ô đỏ để cung cấp khoảng 400 tấn củ tươi theo nhu cầu của Công ty cổ phần Tây Bắc tivi Lai Châu trong thời gian tới”. Giám đốc Công ty Ninh Văn Tuyến thông tin.
Công ty đầu tư hoàn chỉnh hệ thống dây chuyền sản xuất tiên tiến, công nghệ hiện đại của Nhật Bản, với hệ thống chiết xuất đa năng và cô đặc tuần hoàn chân không, công suất 100 kg cao hà thủ ô/mẻ. Hệ thống dây chuyền còn thực hiện chiết xuất tất cả các loại dược liệu khác. Quá trình chiết dược chất hà thủ ô đỏ phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, củ hà thủ ô tươi được rửa sạch, gọt vỏ, bỏ lõi cho vào máy thái lát, đem ngâm Na2CO3 (hoặc nước vo gạo), sau đó đồ cùng đỗ đen rồi sấy khô được lặp lại để thành hà thủ ô cửu chưng cửu sái. Lấy hà thủ ô cửu chưng cửu sái và hoàng tinh cùng dung môi là cồn 96% chiết lấy dược chất. Do được chiết xuất trong môi trường chân không, nên các sản phẩm dược liệu đảm bảo giữ nguyên chất lượng, hàm lượng dược chất ban đầu.
Các sản phẩm dược liệu của Công ty TNHH HATODO sản xuất theo tiêu chuẩn GACP-WHO, đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh Quốc Sơn |
Khai thác hiệu quả nguồn dược liệu quý tại địa phương, đa dạng hoá sản phẩm sản, Công ty sản xuất Trà cao chiết khoai sâm. Sản phẩm bổ dưỡng dạng đường đơn, có tác dụng chống biến chứng tiểu đường cho người bệnh, nguyên liệu được chiết xuất từ củ khoai sâm. Năm 2023, Công ty tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm Trà túi lọc chàm tía. Đề xuất thực hiện Dự án “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng, chế biến dược liệu chàm tía theo hướng GACP-WHO tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng”. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng thành công dự án sẽ là cơ sở khoa học phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm từ cây chàm tía thành hàng hóa, cung cấp thị trường.
Thực hiện Dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất gạo nếp hương tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng” có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Công ty thực hiện liên kết thu mua lúa nếp hương tại các xã trồng lúa nếp hương huyện Bảo Lạc để sản xuất sản phẩm gạo đóng túi. Sản phẩm “Nếp hương Bảo Lạc – Cao Bằng” của Công ty được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sở hữu công nghiệp.
Sản phẩm gạo “Nếp hương Bảo Lạc – Cao Bằng” của Công ty TNHH HATODO đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sở hữu công nghiệp. Ảnh Quốc Sơn |
Theo Giám đốc Công ty Ninh Văn Tuyến, để đưa các sản phẩm ra thị trường, Công ty đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm, đặc biệt chất lượng sản phẩm luôn được coi trọng. Chú trọng xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thiết kế, in ấn logo, bao bì đóng gói, gắn nhãn mác. Xây dựng, lập hồ sơ, công bố tiêu chuẩn cơ sở, đăng ký mã số, mã vạch, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các sản phẩm…
“Hiệu quả từ các hoạt động xúc tiến, quảng bá và thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu, quy định của pháp luật, các sản phẩm: Cao hà thủ ô đỏ, Trà cao chiết khoai sâm, Nếp hương Bảo Lạc, Trà túi lọc chàm tía của Công ty được chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Sản phẩm hà thủ ô đỏ được chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Công ty được mở rộng, được đông đảo khách hàng trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành tin dùng. Hàng năm,Công ty bán 2.000 – 3.000 lọ cao hà thủ ô đỏ, hàng trăm tấn củ tươi hà thủ ô đỏ, hơn 60 tấn gạo nếp hương Bảo Lạc và nhiều sản phẩm Trà cao chiết khoai sâm, Trà túi lọc chàm tía”. Giám đốc Công ty Ninh Văn Tuyến cho biết thêm.
Thực hiện thành công mô hình nhân giống, trồng, sản xuất, chế biến cây dược liệu theo chuỗi giá trị của Công ty TNHH HATODO Bảo Lạc đã khai thác hiệu quả tiềm năng, gia tăng giá trị cây dược liệu, mở ra hướng mới chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động dân tộc thiểu số các xã vùng cao, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế, xã hội huyện Bảo Lạc phát triển