![]() |
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ tại Hội nghị Triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường. |
Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ngày 19/2/2025. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan (người vừa được Quốc hội bầu giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội) và Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy (người vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, một trong những thành quả quan trọng đầu tiên của Ban Chỉ đạo là việc Quốc hội đã phê chuẩn thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong phiên họp ngày 18/2. Đồng thời, Quốc hội cũng đã bầu và phê chuẩn một số vị trí lãnh đạo trong các cơ quan Quốc hội và Chính phủ.
Bộ trưởng bày tỏ: “Đây là niềm vinh dự và tự hào lớn của ngành TN&MT và ngành NN&PTNT, từ nay gọi chung là ngành Nông nghiệp và Môi trường. Chúng ta có hơn 10 ngày để chuyển giao, hoàn tất các bước cần thiết trước khi chính thức đi vào hoạt động”.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ mới sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 1/3, và từ thời điểm đó, các Bộ trưởng sẽ đảm nhận vai trò theo nhiệm vụ được giao. Trước khối lượng công việc rất lớn, thay mặt Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng đề nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của hai Bộ tập trung cao độ để hoàn thành các nhiệm vụ cấp bách.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý: Việc tinh gọn tổ chức bộ máy là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng cũng đầy thách thức. Việc này tác động trực tiếp đến từng cá nhân trong tổ chức, đòi hỏi sự đồng lòng, thống nhất cao, cũng như tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân.
Hiện tại, quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối cùng trước khi trình Chính phủ ban hành. Công tác chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị định đã được Ban Chỉ đạo Chính phủ đánh giá cao. Theo dự thảo, Bộ sẽ có tổng cộng 30 đơn vị.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các đơn vị khẩn trương rà soát theo Công văn 08 đã được gửi đến các đơn vị; hoàn thiện báo cáo gửi Vụ Tổ chức cán bộ của hai Bộ trước ngày 22/2; trình Bộ trưởng trước ngày 25/2 để phê duyệt trước ngày 27/2.
Theo dự kiến, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ có vị trí, chức năng là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước với 45 chức năng, nhiệm vụ về các lĩnh vực: nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phòng chống thiên tai; phát triển nông thôn; đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thuỷ văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Về cơ cấu tổ chức, sẽ có 30 đầu mối trực thuộc (giảm 25 đầu mối, tương đương hơn 45%) cụ thể: (1) Vụ Hợp tác quốc tế; (2) Vụ Kế hoạch - Tài chính; (3) Vụ Khoa học và Công nghệ; (4) Vụ Pháp chế; (5) Vụ Tổ chức cán bộ; (6) Văn phòng Bộ; (7) Thanh tra Bộ; (8) Cục Chuyển đổi số; (9) Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; (10) Cục Chăn nuôi và Thú y; (11) Cục Thủy sản và Kiểm ngư; (12) Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm; (13) Cục Quản lý và Xây dựng công trình thuỷ lợi; (14) Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; (15) Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; (16) Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường;
(17) Cục Quản lý đất đai; (18) Cục Quản lý tài nguyên nước; (19) Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; (20) Cục Môi trường; (21) Cục Biến đổi khí hậu; (22) Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; (23) Cục Khí tượng Thủy văn; (24) Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; (25) Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; (26) Cục Viễn thám quốc gia; (27) Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường; (28) Báo Nông nghiệp và Môi trường; (29) Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường; (30) Trung tâm Khuyến nông quốc gia.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy biểu dương công tác triển khai, đặc biệt là sự phối hợp giữa các lĩnh vực của hai bộ. Bộ trưởng hoan nghênh các lãnh đạo đơn vị đã chủ động trao đổi, suy tôn người đứng đầu. Bộ trưởng lưu ý, đối với những lãnh đạo cấp trưởng xuống làm cấp phó, có thể đề xuất nguyện vọng, nhưng tránh tình trạng người chọn việc.
“Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trở thành Bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Do đó, rất cần sự sẵn sàng, xung phong, tích lũy kinh nghiệm từ nhiều vị trí việc làm”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khuyến khích.
Bộ trưởng kỳ vọng rằng tinh thần này sẽ tiếp tục được phát huy. Mặc dù tất cả các lãnh đạo ngành đều xứng đáng giữ vị trí cấp trưởng, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần một sự sắp xếp hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích chung.
![]() Theo Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường ... |
![]() Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm ông Đỗ Đức Duy làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhiệm kỳ 2021-2026. |