![]() |
Dự án JICA2 giúp Nhiều hộ gia đình ở Thanh Tân và Xuân Thái chủ động trồng, bảo vệ, chăm sóc và tạo nguồn thu từ rừng. |
Phục hồi loài lim xanh quý hiếm
Cây lim xanh từng phân bố tập trung ở các huyện Như Thanh, Như Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành của tỉnh Thanh Hóa và nổi tiếng vì chất lượng gỗ tốt. Qua thời gian, với việc khai thác quá mức của con người và các yếu tố khác dẫn đến loài lim xanh ở đây suy giảm nghiêm trọng. Để bảo vệ được nguồn gen quý hiếm trong tự nhiên của loài lim xanh, năm 2014, dự án JICA2 thực hiện tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Như Thanh đã trồng và phục hồi giống lim xanh bản địa.
Mục tiêu ban đầu của dự án là xây dựng và phát triển rừng ổn định, bền vững, nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường và chống xói mòn đất. Tạo nguồn sinh thủy phục vụ sản suất nông nghiệp và nâng cao đời sống cho nhân dân thuộc vùng dự án. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận với khoa học kĩ thuật trong sản xuất nông lâm nghiệp.
Theo anh Lê Văn Phương, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Thanh Vinh (Ban QLRPH Như Thanh) chia sẻ: khu vực trồng lim xanh hiện tại trước đây là trồng keo, bạch đàn. Năm 2014, dự án trồng rừng JICA2 đã chọn cây lim xanh, là cây bản địa để trồng phục hồi. Cây linh xanh trong chu kỳ trồng rừng là cây gỗ lớn, trồng với mục đích là phòng hộ lâu dài, ngăn chặn xói mòn đất, bảo vệ môi trường sinh thái. Trong khi cây keo, cây bạch đàn là cây đa tác dụng, vừa phòng hộ, vừa là cây kinh tế. Sau gần 11 năm trồng cây linh xanh phát triển tốt, tỉ lệ sống hơn 90%.
“Trong 4 năm đầu tiền thì việc chăm sóc cây lim vất vả hơn, mỗi năm phải bón 1 đến 2 lần phân định kỳ. Phát thực bì để cây có có ánh sáng vươn lên, trồng bổ sung những cây bị chết. Đến nay, cây lim đã lớn, sinh trưởng tốt thì mỗi năm chỉ cần phát thực bì 1 lần và tỉa những cành con không cần thiết để cây lớn nhanh hơn”- Anh Phương chia sẻ.
Càng đi vào sâu khu vực rừng Thanh Vinh, những cánh rừng lim xanh đã cho độ che phủ kín, khép tán các quả đồi trọc trước đây. “Khi triển khai dự án, người dân nơi đây còn nghèo nàn, rừng chủ yếu cây keo, cây bạch đàn...Nhưng được sự vận động của BQLRPH Như Thanh về lợi ích, ý nghĩa của việc trồng cây lim xanh bản địa thì người dân rất đồng thuận. Thế là 144 hộ dân tự nguyện nhận trồng và chăm sóc cây lim xanh bản địa này. Những gia đình nhận giao khoán huy động cả nhà tham gia. Chính bằng sức người, những rừng lim dần được hình thành, ngày một xanh tốt và phủ xanh những quả đồi trơ trọi trước đây.
![]() |
anh Đỗ Văn Hường phát tỉa cành nhỏ cho lim thuộc diện tích gia đình nhận khoán. |
Những lợi ích thiết thực của dự án
Theo thiết kế kỹ thuật của dự án, 1 ha diện tích đất sẽ được trồng 800 cây lim xanh và 800 cây keo. Việc trồng xem kẽ keo và lim sẽ giúp các hộ nhận khoán có thêm nguồn lợi từ rừng mang lại. Từ đó tạo sinh kế, gắn chặt quyền lợi và trách nhiệm của các hộ nhận khoán đối với diện tích trồng cây lim xanh.
Kể từ khi thực hiện dự án JICA2 về trồng và phục hồi giống lim xanh tại Thanh Hóa. Những hộ nhận khoán đã có thu hoạch từ lứa keo trồng xen canh đầu tiên với cây lim. Từ đó bù lại công sức chăm sóc, bảo vệ rừng, tạo thu nhập kinh tế giúp các gia đình ổn định cuộc sống.
Hộ gia đình anh Đỗ Văn Hường, thôn Khe Cát, xã Thanh Tân cho hay: gia đình tôi nhận trồng và chăm sóc 30ha cây lim xanh. Được BQLRPH Như Thanh hướng dẫn kĩ thuật trồng, tôi trồng theo tỉ lệ 800 cây lim xanh và 800 cây keo trên diện tích 1ha. Năm 2023, gia đình tôi đã thu hoạch lứa keo đầu tiên, trừ chi phí thu về lợi nhuận 50 triệu đồng/ha.
Theo anh Hường kể lại: năm 10 tuôi anh cùng gia đình vào đất Thanh Tân định cư phát triển kinh tế. Khi đó trong rừng rất nhiều cây lim xanh đường kính lớn cả mét. Tuy nhiên, do phát rừng để lấy đất canh tác và nhiều yếu tố tự nhiên nên số lượng lim xanh suy giảm mạnh. Khi BQLRPH Như Thanh phổ biến thực hiện dự án JICA2, gia đinh anh đã mạnh dạn xung phong nhận trồng, chăm sóc bảo vệ 30ha.
“Tôi đã huy động cả gia đình đào từng hố để trồng lim xanh. Ngoài phục vụ bảo tồn gen quý hiếm của cây lim thì còn phục vụ chức năng nhiệm vụ phòng hộ lâu dài, cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường, để tăng thêm thu nhập kinh tế gia đình đã trồng xen canh cây keo. Ngoài ra, hàng năm đều nhận được tiền chăm sóc, bảo vệ rừng của Nhà nước chi trả” - Anh Hường nói.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Thanh cho biết: Dự án JICA2 được triển khai đã góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm của cây lim xanh, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua 10 năm cây lim xanh sinh trưởng, phát triển tốt, dự án đã phát huy được hiệu quả. Việc giao khoán đến các hộ trồng rừng và gắn lợi ích kinh tế sẽ giúp các hộ có trách nhiệm hơn đối với diện tích rừng được nhận.
Từ năm 2014 – 2015 và năm 2022 thực hiện Dự án trồng rừng tập trung từ nguồn vốn dự án JICA2, dự án trồng rừng thay thế từ nguồn vốn ủy thác được 591,08ha lim xanh tại các xã Xuân Thái, Thanh Tân của huyện Như Thanh.