Chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 - Ảnh minh họa. |
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết, với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, thiệt hại sau bão, lũ, đánh giá năng lực sản xuất, khả năng khôi phục sản xuất sau thiên tai để cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Các Sở Công thương cần chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan, tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết; phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản vùng, miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết.
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi hải đảo, khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Đặc biệt chú trọng công tác cung ứng hàng hóa cho các vùng bị thiệt hại do thiên tai với số lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.
Bộ cũng yêu cầu các Sở Công thương xây dựng cơ chế ưu tiên tại địa phương để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hoá đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa, khu vực biển đảo... nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng người dân có thu nhập trung bình và thấp.
Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn dự trữ đầy đủ xăng dầu theo quy định, có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra việc duy trì bán hàng và thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, kiểm tra chất lượng, đo lường, giá bán xăng dầu lưu thông trên thị trường.
Phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan,... tổ chức có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại - Ảnh minh họa. |
Sở cũng có trách nhiệm phối hợp với Cục Quản lý thị trường tại địa phương, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, chú trọng kiểm tra về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trên địa bàn.
Bộ Công thương sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối họp với các Bộ, ngành, địa phương đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025 để chủ động có phương án hoặc đề xuất với Chính phủ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn thị trường.
Thực hiện công tác điều hành giá mặt hàng do nhà nước quản lý theo quy định, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương trong Ban chỉ đạo điều hành giá nhằm bảo đảm đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2024 và bước đầu thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2025.
Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, đôn đốc, tạo điều kiện cho các địa phương, các doanh nghiệp triển khai Chương trình bình ổn thị trường, thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu, hợp tác thương mại vùng miền, triển khai các giải pháp nhằm nhằm kích cầu tiêu dùng phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý duy trì hoạt động sản xuất các mặt hàng cần thiết (thực phẩm chế biến, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, bánh kẹo, xăng dầu, điện, phân bón...) đảm bảo cung ứng đủ, ổn định cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Đặc biệt, xây dựng Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tập trung tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng,... Trong đó, chú trọng giám sát các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, gia súc, gia cầm, các mặt hàng thực phẩm tươi sống,...
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết, Bộ cũng tăng cường chỉ đạo, rà soát việc chấp hành các quy định về chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, chú trọng các mặt hàng phục vụ Tết như rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo.