Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Trần Văn Lượng giải đáp vướng mắc cho các doanh nghiệp tại hội nghị (Ảnh: Trần Trung) |
Hội nghị được tổ chức nhằm phổ biến các quy định pháp luật mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022 của Chính phủ; Thông tư số 02/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 45/2022 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đồng thời, đây cũng là dịp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giải đáp vướng mắc, bất cập và tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khu vực Nam Trung Bộ.
Theo đại diện Cục Kỹ thuận An toàn Môi trường công nghiệp, các doanh nghiệp ngành Công Thương đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ngành công nghiệp trọng điểm như dầu khí, phân bón, hóa chất, thép, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản… phát sinh lượng lớn chất thải và có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Đặc biệt, các cụm công nghiệp (CCN) tại các địa phương gặp khó khăn lớn trong việc xử lý môi trường. Quy mô sản xuất nhỏ, thiếu kinh phí đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã khiến tình trạng ô nhiễm tại các CCN trở nên nghiêm trọng.
“Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu, trong đó bảo vệ môi trường là một trụ cột. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường bắt đầu có hiệu lực từ năm 2022, theo đó đã ban hành rất nhiều chính sách, quy định mới về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là các quy định về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, kiểm kê khí nhà kính, quản lý chất thải, quan trắc môi trường, ứng phó sự cố môi trường,… Đến thời điểm hiện tại, tuy đã được triển khai thực hiện gần 2 năm, nhưng một số quy định vẫn còn tồn tại những vướng mắc nhất định, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng vào thực tiễn”, đại diện Cục Kỹ thuật An toàn Môi trường công nghiệp nhấn mạnh.
Doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về một số vướng mắc, bất cập trong việc thực thi các chính sách bảo vệ môi trường (Ảnh: Trần Trung) |
Tại hội nghị, các diễn giả và doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận và giải đáp về những vướng mắc, bất cập hiện nay trong việc thực thi các chính sách bảo vệ môi trường liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực thuộc ngành công thương nhằm tìm kiếm giải pháp tăng cường bảo vệ môi trường và ứng dụng kinh tế tuần hoàn, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Giải đáp vướng mắc của các đơn vị, ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường nhấn mạnh: Hiệp hội Công nghiệp môi trường có trách nhiệm liên quan đến các vấn đề tái chế như giá tiền, trách nhiệm tái chế, đối tượng đóng phí tái chế và thu gom những sản phẩm nhập từ nước ngoài, quy chế chi tiêu quỹ tái chế,… Đồng thời, ghi nhận các ý kiến thắc mắc của đơn vị và khẳng định sẽ có những tham vấn cho cơ quan, ban ngành liên quan.
“Hội nghị lần này là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, từ đó tổng hợp ý kiến để hoàn thiện khung pháp lý, giúp doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, góp phần quản lý môi trường hiệu quả hơn”, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Trần Văn Lượng nói.
Cũng tại Hội nghị, ông Đinh Văn Tôn, Cục An toàn Môi trường, Bộ Công Thương đã phổ biến các quy định mới về bảo vệ môi trường tại Luật BVMT năm 2020 liên quan đến ngành, lĩnh vực công thương và các Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, cũng như cập nhật những quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và một số vấn đề đang đề xuất, sửa đổi.
Ông Đinh Văn Tôn đại diện Cục An toàn Môi trường, Bộ Công Thương phổ biến các quy định mới về bảo vệ môi trường tại Luật BVMT năm 2020 (Ảnh: Trần Trung) |
Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất, cần chú trọng đến việc tiết kiệm năng lượng, thu hồi và tái sử dụng nước thải, cũng như xử lý rác thải theo phương pháp tái chế. Những mô hình này không chỉ giúp giảm thiểu gánh nặng về bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Về phía Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố cho biết, Sở Công Thương Đà Nẵng cam kết sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Hội nghị khép lại với nhiều kỳ vọng tích cực về sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp. Việc tăng cường phổ biến các chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, và khuyến khích áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn được xem là những giải pháp chiến lược, không chỉ giúp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ phát triển bền vững mà còn đóng góp vào mục tiêu quốc gia về kinh tế xanh.