![]() |
Ngã ba Đồng Lộc - biểu tượng bất tử của tinh thần đấu tranh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. |
Ngã ba Đồng Lộc - Khúc tráng ca bất tử
Trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc) hiện lên như một biểu tượng bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nơi đây, từ tháng 4 đến tháng 10/1968, đế quốc Mỹ đã ném xuống gần 50.000 quả bom, biến ngã ba chiến lược này thành mục tiêu hủy diệt nhằm cắt đứt huyết mạch chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.
Trong mưa bom bão đạn, hàng ngàn chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vẫn kiên cường bám trụ, đảm bảo thông tuyến cho xe ra tiền tuyến. Máu đào của biết bao người con ưu tú, tiêu biểu là 10 nữ thanh niên xung phong Tiểu đội 4, Đại đội 552, đã hòa vào đất mẹ, viết nên trang sử vàng cho dân tộc.
Ngày nay, Đồng Lộc đã hồi sinh. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được tôn tạo khang trang với các hạng mục: Tượng đài chiến thắng, Nhà bia tưởng niệm, Khu mộ 10 nữ anh hùng, Tháp chuông, Cụm tượng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc… trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
![]() |
Di tích Chỉ huy Sở Tiền phương của Tổng cục Hậu cần và Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn tại xã Hương Đô, huyện Hương Khê. |
Chỉ huy Sở Tiền phương - Hương Đô, Hương Khê
Về xã Hương Đô (huyện Hương Khê), nơi từng đặt Chỉ huy Sở Tiền phương của Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - Đoàn 559 và Đoàn 500, mới cảm nhận sâu sắc sự hy sinh thầm lặng của quân và dân nơi đây.
Từ năm 1966-1970, dưới sự chỉ huy của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, người dân Hương Đô đã nhường nhà, đất, vườn tược cho bộ đội xây dựng các cơ sở chỉ huy, hội họp, lưu trữ hàng hóa, lương thực. Mỗi ngõ xóm, đình làng đều trở thành mắt xích trong mạng lưới hậu cần chi viện cho chiến trường miền Nam.
Nửa thế kỷ trôi qua, dấu tích Chỉ huy Sở Tiền phương vẫn được gìn giữ, nhắc nhớ tinh thần đoàn kết, cống hiến quên mình vì đại nghĩa dân tộc.Di tích Chỉ huy Sở Tiền phương của Tổng cục Hậu cần và Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn tại xã Hương Đô, huyện Hương Khê.
![]() |
Di tích sân bay dã chiến Libi – tọa độ chiến lược giữa lòng hồ Kẻ Gỗ, từng phục vụ chi viện chiến trường miền Nam. |
Sân bay dã chiến Libi trong lòng hồ Kẻ Gỗ
Ít ai biết rằng, giữa lòng hồ Kẻ Gỗ xanh mát hôm nay từng có một sân bay dã chiến mang tên Libi. Được xây dựng bí mật vào năm 1971, cùng với tuyến đường 21, 22, sân bay Libi là huyết mạch chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam.
Tuy nhiên, trong trận tập kích ác liệt đêm 7/1/1973, sân bay Libi bị không quân Mỹ đánh phá dữ dội, hàng trăm tấn bom trút xuống khiến sân bay tan hoang, nhiều bộ đội hy sinh khi chưa kịp thực hiện chuyến bay nào.
Sau chiến tranh, công trình hồ Kẻ Gỗ ra đời, chôn vùi sân bay Libi dưới làn nước trong xanh. Song những câu chuyện về sân bay dã chiến, về sự hy sinh thầm lặng nơi đây vẫn được người dân gìn giữ như một phần thiêng liêng của lịch sử.
Hà Tĩnh hôm nay xanh ngát những cánh đồng, nhộn nhịp những công trình mới, nhưng trong từng tấc đất, từng dòng sông, ngọn núi vẫn lắng sâu những ký ức không thể phai mờ. Những “tọa độ lửa” một thời đạn bom nay đã hồi sinh, khẳng định sức sống bất diệt của tinh thần yêu nước Việt Nam. |