Longform

Ứng dụng khoa học công nghệ tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp - Bài 2

Bài 2 - Ứng dụng khoa học công nghệ tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp

Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Con số này cho thấy, sự đóng góp của khoa học công nghệ vào sự phát triển nông nghiệp của nước ta hiện vẫn còn hạn chế, trong khi các nước phát triển có mức đóng góp lên tới trên 50%.

Bài 2 - Ứng dụng khoa học công nghệ tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp

Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều nhóm hàng có giá trị xuất khẩu tỷ đô…

Trước những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường… đang đặt ra những khó khăn, thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Ứng dụng khoa học công nghệ được coi là một trong những chìa khóa để phát triển nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới, việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ là giải pháp tối ưu giải quyết vấn đề trên mà còn là một tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông phẩm, bảo đảm cho kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Những năm qua, khoa học công nghệ đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp. Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân luôn là mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua.

Theo thông tin tại hội nghị triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện Bộ đã triển khai thành công 4 chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, bao gồm: Công nghệ sinh học trong nông nghiệp và thủy sản; Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Sản phẩm quốc gia.

Bộ NN&PTNT đã hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động KHCN; tăng cường tiềm lực KHCN; đặc biệt là coi trọng phát triển nguồn nhân lực, hội nhập và hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước; đổi mới về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động và chính sách phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ KHCN.

Thời gian qua, KHCN đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp, với việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, lúa, cây ăn quả và phương pháp canh tác, nuôi trồng mới... Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng hiệu quả KH-CN đã giúp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo giống, tăng cường quy trình sản xuất tiên tiến và áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, quản lý tính kháng thuốc, quản lý dịch hại tổng hợp.

Bài 2 - Ứng dụng khoa học công nghệ tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn “Kết nối sản phẩm khoa học công nghệ với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân” tổ chức tháng 7/2024, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, khoa học công nghệ không chỉ dừng lại là tạo năng suất, sản lượng mà là tạo ra giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng đến từ tích hợp đa giá trị trong một ngành với hướng tới mục tiêu giảm chi phí. Ví dụ như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, rồi nông nghiệp xanh, giảm phát thải… nhằm tạo thương hiệu, giá trị gia tăng. Đó chính là hướng đi của khoa học công nghệ trong tương lai.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư tập trung cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm của các đơn vị với quy mô lớn thay vì đầu tư nhỏ lẻ cho từng đơn vị như trước đây nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển, đặc biệt là một số thiết bị hiện đại tương đương khu vực và quốc tế.

Các địa phương tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, mặt bằng, xúc tiến thương mại... tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Bài 2 - Ứng dụng khoa học công nghệ tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp

Phát biểu chia sẻ tại Hội nghị “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 20/5/2024, GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viên Nông nghiệp Việt Nam, cho biết việc áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, Global GAP...) ngày càng được phổ biến nhân rộng và hiệu quả mang lại là sản xuất ra được các sản phẩm an toàn, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường.

Ngoài nghiên cứu các giống cây trồng, những nghiên cứu khoa học đã quan tâm một số sản phẩm công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, theo ông Cường, sản phẩm khoa học công nghệ nhiều nhưng tính ứng dụng chưa cao, chưa gắn kết với đào tạo. Cơ sở vật chất, học liệu chưa đáp ứng được với sự thay đổi nhanh chóng của thực tế sản xuất, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nông nghiệp thông minh.

“Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đã qua đào tạo qua các năm giảm. Cụ thể, năm 2020 đạt 4,62%, năm 2021 đạt 4,13%; năm 2022 là 4,08%”, ông Cường nêu thực tế, đồng thời kiến nghị các hệ thống đào tạo của ngành nông nghiệp cần cập nhật và điều chỉnh chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường; cập nhật chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập và thực tiễn gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa nhà trường với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, huy động sự tham gia và hỗ trợ của các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như: đặt hàng trực tiếp đối với cơ sở đào tạo; chia sẻ kinh phí đào tạo với người học; quỹ học bổng đào tạo kỹ sư tiềm năng…

Bài 2 - Ứng dụng khoa học công nghệ tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, tại Việt Nam, các khu công nghệ cao và các vùng công nghệ cao trong nông nghiệp dù đã được xây dựng nhưng chưa hoạt động hiệu quả và chưa thu hút được doanh nghiệp vào hoạt động. Chưa thực sự tạo ra mạng lưới liên kết và sự hỗ trợ đầy đủ trong các khu vực này.

Việc chế biến nông sản bằng công nghệ cao để tạo ra giá trị gia tăng vẫn đang đối mặt với thách thức, các doanh nghiệp chế biến và các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp chưa thu hút được đầu tư và chưa có sự đổi mới công nghệ đáng kể.

Ngoài ra, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ trong nông nghiệp vẫn chưa đạt được những thành tựu như mong đợi. Việc đưa các sản phẩm khoa học công nghệ vào thị trường đòi hỏi có mạng lưới tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm, cần có vai trò của các doanh nghiệp rất lớn.

Vì vậy, các cán bộ quản lý của các đơn vị sự nghiệp khoa học thực hiện cơ chế tự chủ hiện nay thường thiếu năng lực và kinh nghiệm trong điều hành, quản lý đơn vị theo chế độ hạch toán kinh doanh. Việc nắm bắt thông tin trong và ngoài nước, nhất là nhu cầu của sản xuất và của các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức để tăng tính thuyết phục của sản phẩm khoa học công nghệ.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỉ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%; tỉ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn đạt hơn 90% vào năm 2025 và đạt hơn 95% năm 2030.

Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó, khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021 - 2025 và 35% giai đoạn 2026 - 2030.

Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao công nghệ mới, mua công nghệ trong nước hoặc nước ngoài.

Nội dung: Ánh Dương

Đồ họa: Hà An