Longform

Nông nghiệp và khoa học công nghệ không thể tách rời - Bài 1

Bài 1 - Nông nghiệp và khoa học công nghệ không thể tách rời

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Để xây dựng bền vững “trụ đỡ” của nền kinh tế vai trò khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt, nhất là khi nền nông nghiệp hướng tới phát triển tuần hoàn, hữu cơ,…

Bài 1 - Nông nghiệp và khoa học công nghệ không thể tách rời

Theo các chuyên gia, để xây dựng bền vững “trụ đỡ” của nền kinh tế, khoa học công nghệ (KHCN) đóng vai trò then chốt. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, là câu trả lời cho việc phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

Thực tế, từ nhiều năm trước, Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Bài 1 - Nông nghiệp và khoa học công nghệ không thể tách rời

Phát biểu tại Hội nghị Đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ năm 2023 và xây dựng Kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Khoa học nông nghiệp là một khái niệm trong KHCN nói chung. Trong hoàn cảnh kinh tế trong nước và thế giới khó khăn hiện nay, đặc biệt sau đại dịch Covid, nông nghiệp đã khẳng định vị trí là bệ đỡ của nền kinh tế, dù trong hoàn cảnh nào vấn đề an ninh lương thực trong nước cũng đều đảm bảo. Trong 35 năm đổi mới và 10 năm tái cơ cấu, KHCN trong nông nghiệp đều cùng tiếng nói.

Để xây dựng bền vững “trụ đỡ” của nền kinh tế, khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt, nhất là khi nền nông nghiệp đang chuyển từ nâu sang xanh. Thực tế, con đường “phủ” tri thức, khoa học công nghệ trên những cánh đồng đã gặt nhiều quả ngọt. Song nhìn một cách tổng thể cũng đang gặp nhiều thách thức, rào cản cần tháo gỡ để hướng tới phát triển nền nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp hữu cơ và vươn ra thị trường xuất khẩu với quy mô lớn hơn, chất lượng cao hơn.

Ứng dụng khoa học công nghệ sẽ giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Tuy nhiên, sự phát triển của KHCN trong nông nghiệp chưa xứng tầm với tiềm năng lợi thế, còn tồn tại nhiều bất cập. Trong bối cảnh tình hình mới với nhiều cơ chế chính sách mới của Nhà nước như Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, đặt ra nhiều vấn đề mà hai ngành cần phải tập trung, phối hợp tháo gỡ để tiếp tục khai thác tốt lợi thế đã có và mở rộng sân chơi cho các nhà khoa học nông nghiệp.

Bài 1 - Nông nghiệp và khoa học công nghệ không thể tách rời
Bài 1 - Nông nghiệp và khoa học công nghệ không thể tách rời

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Con số này cho thấy, sự đóng góp của khoa học công nghệ vào sự phát triển nông nghiệp của nước ta hiện vẫn còn hạn chế, trong khi các nước phát triển có mức đóng góp lên tới trên 50%.

Những năm qua, khoa học công nghệ đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp. Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân luôn là mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp trong nhiều năm qua.

Những ứng dụng khoa học công nghệ bao trùm trên tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, công nghệ sau thu hoạch…, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường.

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận (hoặc tương đương) nhiều loại cây trồng đạt khá cao. Nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, việc tạo ra giống lúa mới đã trở nên hiệu quả hơn.

Ngày nay, các nhà khoa học chỉ cần 30 - 50 tổ hợp lai để chọn tạo ra một giống lúa mới, so với khoảng 100 tổ hợp lai như trước đây. Điều này giúp rút ngắn thời gian chọn giống xuống còn khoảng 5 năm, giảm đáng kể thời gian và công lao động, đồng thời đáp ứng được hầu hết các yêu cầu quan trọng đối với giống lúa như năng suất cao, chất lượng gạo ngon, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và thích ứng rộng. Điển hình là cây cà phê, Việt Nam đã có những đột phá về năng suất, cao gấp 3 lần so với năng suất cà phê trên thế giới.

Trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, đã công nhận 42 giống vật nuôi mới, 23 tiến bộ kỹ thuật và 19 giải pháp sáng chế trong lĩnh vực này. Hiện nay, có 54 giống vật nuôi năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất, bao gồm 11 giống mới, 12 giống ngoại nhập và 31 giống lai tạo.

Một điểm nhấn của ngành chăn nuôi thú y, vaccine dịch tả lợn châu Phi “Made in Vietnam” chính thức xuất khẩu sang 5 quốc gia bao gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar là niềm tự hào lớn của ngành chăn nuôi nước nhà.

Trong lĩnh vực thủy sản, hàng loạt giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá vược, cá chim vây vàng, cá nhụ, cá chiên, cá lăng, chạch chấu, hải sâm, ốc hương và các giống cá nước lạnh đã được sinh sản nhân tạo thành công và làm chủ công nghệ nuôi. Giai đoạn 2016 - 2023, ngành thủy sản có 22 giống mới, 28 tiến bộ kỹ thuật, 13 sáng chế và 14 quy trình, giải pháp hữu ích đã được công nhận.

Trước đó, cuối tháng 4/2023, trong hội nghị triển khai “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, khi chia sẻ về hướng đi của khoa học công nghệ trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh, khoa học công nghệ không chỉ dừng lại là tạo năng suất, sản lượng mà là tạo ra giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng đến từ những tích hợp đa giá trị trong một ngành với mục tiêu hướng tới là giảm chi phí. Bộ trưởng ví dụ như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, rồi nông nghiệp xanh, giảm phát thải… tất cả là để tạo ra thương hiệu, tạo ra giá trị gia tăng. Đó chính là hướng đi của khoa học công nghệ trong tương lai.

Phát triển nông nghiệp bền vững: Bài 2 - Ứng dụng KHCN tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp

Nội dung: Ánh Dương

Đồ họa: Hà An