Với sự đồng lòng, quyết tâm của chính quyền cùng các tầng lớp nhân dân, nông nghiệp, nông thôn Ninh Bình đến nay đã có bước phát triển khá toàn diện. Tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp theo lợi thế từng tiểu vùng sinh thái, hướng theo nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp an toàn, hướng theo hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đã thổi luồng gió mới, tạo động lực phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp của tỉnh. |
“Bàn đạp” phát triển nông nghiệp hướng theo hữu cơ
|
Năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/ND-CP về Nông nghiệp hữu cơ có hiệu lực tháng 10/2018. Từ thực tiễn sản xuất và căn cứ pháp lý quy định, ngay từ năm 2018 (vụ mùa 2018) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Ninh Bình đã nghiên cứu và thử nghiệm sản xuất hướng theo hữu cơ được triển khai với 3 mô hình lúa - cá hướng theo hữu cơ quy mô 5ha/ mô hình. Từ thành công bước đầu của những mô hình đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách của HDND tỉnh cụ thể như NQ 39/2018/NQ-HĐND; NQ 113/2020/NQ-HĐND, trong đó có chính sách hỗ trợ sản xuất lúa hướng theo hữu cơ. Năm 2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg với mục tiêu tổng quát là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới. Hiện nay, canh tác hướng theo hữu cơ đã được lan tỏa trong sản xuất trồng trọt, đảm bảo theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và của tỉnh Ninh Bình. Diện tích sản xuất lúa hướng theo hữu cơ, rau quả hướng theo hữu cơ từng bước tăng dần. Từ thành công bước đầu trong giai đoạn 2018 - 2021, cùng với việc đi sâu phân tích 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT Ninh Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025 (Quyết định 406/QĐ-UBND ngày 29/4/2022) về phát triển kinh tế nông nghiệp theo lợi thế từng tiểu vùng sinh thái, theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp an toàn, hướng theo hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đặc hữu, sản phẩm OCOP của tỉnh; lấy khoa học công nghệ làm nền tảng, động lực then chốt để phát triển sản xuất; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị. |
Để cụ thể hóa Đề án, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025. Hàng năm Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản; danh mục máy móc thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh để làm cơ sở hỗ trợ. Nhờ đó thay đổi tư duy làm nông nghiệp của cán bộ, người sản xuất và người tiêu dùng. Đó là chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp, sử dụng hóa chất, thiếu tính bền vững, từng bước chuyển dịch sang tư duy kinh tế nông nghiệp, theo chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Cùng đó xây dựng, thực thi chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với thực tiễn sản xuất, phù hợp với định hướng chung, ưu tiên chính sách hỗ trợ mang tính bền vững về môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học ra đời được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất các sản phẩm phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, các chế phẩm xử lý môi trường; các chế phẩm vi sinh dùng trong BVTV như nấm đối kháng, vi nấm ký sinh côn trùng... Với nhiều chính sách được ban hành cụ thể như trên, Ninh Bình được các doanh nghiệp quan tâm, tích cực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái gắn với nông nghiệp hữu cơ với nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi. Trong đó, chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với một số đối tượng đặc hữu, bản địa, có lợi thế cạnh tranh của địa phương. Tiêu biểu như Chương trình liên kết sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao hướng theo hữu cơ được triển khai từ năm 2018, với quy mô 15,7 ha, đến nay đã nhân rộng được gần 5.000 ha trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh Ninh Bình. Đây là hình thức liên kết giữa các HTX với công ty, doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV, thu mua lúa, gạo,... trở thành chuỗi giá trị. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số chuỗi liên kết với công ty VTNN Hồng Quang, liên kết sản xuất tiêu thụ lúa hàng hoá, sản xuất giống lúa chất lượng cao hướng theo hữu cơ như: Giống Nếp hương, Hương Bình, Hương Cốm tại các HTX Khánh Hội, Kiến Thái huyện Yên Khánh. HTX Nam Yên, Nam Thành, Vân Trà, Đông Thượng huyện Yên Mô,... Theo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết: Giai đoạn 2020 - 2023 sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã góp phần quan trọng duy trì và nâng cao tăng trưởng ngành nông nghiệp khá ổn định và mang tính bền vững, tăng trung bình 3,01% (ngưỡng tăng trưởng hơn 10 năm qua chỉ đạt xung quanh 2%). Giá trị 1 ha canh tác đến hết năm 2023 đạt 155 triệu/năm, tăng nhanh hơn so với mục tiêu 2 triệu/năm. |
Mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Khánh Trung (Yên Khánh, Ninh Bình). |
Chiến lược dài hạn để bước đi dài lâu và vững bền
|
Trong 7 năm từ 2017- 2023, ngoài các chính sách của Trung ương, HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành 04 Nghị quyết (Nghị quyết 37/2016; Nghị quyết 39/2018; Nghị quyết 113/2020; Nghị quyết 32/2022), đã triển khai thực hiện hỗ trợ khoảng 800 mô hình, chương trình dự án, được đánh giá hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng ngành. Đã đánh giá tổng kết đưa ra được 08 chương trình lớn để tiếp tục định hướng chỉ đạo nhân rộng. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Ninh Bình đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất nông nghiệp hướng theo hữu cơ nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sản xuất nông nghiệp từng bước giảm sử dụng hóa chất, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững. Từ đó, tạo tiền đề cho các tổ chức, cá nhân cải tạo đất trước khi tiến hành sản xuất hữu cơ. Ngày 04/3/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 218/QD-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó xác định xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, cực tăng trưởng khu vực các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, hình mẫu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hướng vào chất lượng phát triển, giữ vững địa bàn vững chắc về quốc phòng và an ninh. |
Tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với mô hình phát triển “xanh”, lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, lấy công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại và các ngành công nghiệp công nghệ cao làm động lực, lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy nông nghiệp làm trụ đỡ. Định hình cơ cấu kinh tế hiện đại, hiệu quả gắn với những sản phẩm chủ lực, đặc sắc, thương hiệu, có năng lực cạnh tranh cao dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế di sản, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Đồng thời xác định phương hướng xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, an toàn, tuần hoàn, đa giá trị, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp du lịch sinh thái cảnh quan… Trong đó về phát triển kinh tế nông nghiệp xác định các nhiệm vụ đang triển khai, chính sách đang hỗ trợ của tỉnh là phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh (nhất là về hữu cơ, chuỗi, phục vụ du lịch). Rà soát, hoàn thiện các chiến lược của từng lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp) đảm bảo phù hợp với từng chiến lược đã được Chính phủ phê duyệt và đáp ứng định hướng phát triển của tỉnh Ninh Bình. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2026- 2030. Trong đó sẽ phải lựa chọn những chính sách ưu tiên, có trọng điểm, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm đáp ứng các tiêu chí: theo chuỗi, chất lượng, rõ nguồn gốc, an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường, gắn với phục vụ du lịch, ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm đặc sản gắn với văn hóa địa phương. Bên cạnh thuận lợi và kết quả đã đạt được phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Ninh Bình cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như quy trình sản xuất hữu cơ rất khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất cao. Đặc biệt với những vùng thâm canh cao, trước đây đã sử dụng nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật khi muốn chuyển sang sản xuất hữu cơ đòi hỏi thời gian chuyển đổi lâu, năng suất giảm và gặp khó khăn trong phòng chống sâu bệnh, cân bằng sinh thái bị phá vỡ trước đây cần thời gian để thiết lập lại. Việc đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn (TCVN) trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn như quy hoạch vùng trồng vì chưa được triển khai hợp lý do nông nghiệp hữu cơ cần có vùng cách ly với nông nghiệp truyền thống; Phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có giá thành cao hơn, tác dụng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng khoáng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu chậm và không đầy đủ; Hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi cán bộ kỹ thuật, người sản xuất phải có đủ trình độ để tiếp cận và sử dụng công nghệ, tuy nhiên lực lượng này còn mỏng, cần có thời gian đào tạo nâng cao; Đầu ra cho sản phẩm cũng gặp khó khăn do người tiêu dùng vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa sản phẩm hữu cơ và sản phẩm không hữu cơ, đôi khi còn đánh đồng về chất lượng giữa hai dòng sản phẩm, giá thành sản phẩm hữu cơ cao. |
Hội nghị tập huấn cho cán bộ và người dân về sản xuất hướng theo hữu cơ. |
Để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ, cần sự hỗ trợ của nhà nước với mức tốt hơn để kích thích nhiều người tham gia hơn, đồng thời, truyền thông về lĩnh vực này phải đủ mạnh để tạo niềm tin giữa người sản xuất và tiêu dùng. Ban hành bộ tiêu chí nông nghiệp hữu cơ phù hợp với từng vùng sinh thái. Thực hiện thí điểm mô hình nông nghiệp hữu cơ ở từng lĩnh vực, đối tượng, từng vùng sinh thái; tổng kết rút ra bộ tiêu chí để áp dụng; công nhận, như bộ tiêu chí xây dựng nông thông mới, để tạo sự khác biệt giữa sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường. Với định hướng đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước. Thực tiễn đã minh chứng Ninh Bình đã, đang và sẽ trở thành điểm thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Ninh Bình. Xác định sản phẩm nông nghiệp của Ninh Bình không chỉ đi ra thế giới, mà còn để “thế giới đến với Ninh Bình”. Mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Ninh Bình hướng đến thị trường khách du lịch và tiêu thụ nội tỉnh, liên vùng. Nhờ đó, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không bị áp lực bởi đầu ra, nhiều năm liền không xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Trong đó định hướng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sẽ giữ vai trò đặc biệt quan trọng vừa đáp ứng được chất lượng an toàn sản phẩm, bảo vệ môi trường, hỗ trợ cải tạo cảnh quan, phục vụ du lịch. |
Mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Ninh Bình hướng đến thị trường khách du lịch và tiêu thụ nội tỉnh, liên vùng - Ảnh minh họa. |
Nội Dung: Ánh Dương Đồ họa: Hà An |