Longform

[Longform] Đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu

Đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng
tất yếu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, việc đầu tư cho phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu. Những năm qua, nước ta đã có bước chuyển mới hướng tới một nền kinh tế xanh trong đó có việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ để bảo đảm bền vững các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.

Đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu

Với lịch sử canh tác hữu cơ đã hình thành từ lâu, nông nghiệp Việt Nam là ngành có lợi thế so sánh bởi tính đa dạng và quy mô sản lượng, chất lượng hàng đầu thế giới. Cùng với đó, các nông sản có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hợp lý, đặc biệt là thủy sản, rau quả và dược liệu, song do cơ chế chính sách và đầu tư quảng bá xúc tiến thương mại, khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất hữu cơ còn hạn chế, diện tích nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam còn chưa khai thác hết tiềm năng.

Đặc biệt, trong một vài năm trở lại đây, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng. Các sản phẩm ngày càng đa dạng và quy mô sản xuất cũng tăng dần đã tạo ra khối lượng sản phẩm khá lớn góp mặt ở các siêu thị lớn trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Trong đó, chúng ta phải kể đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... theo tiêu chuẩn hữu cơ. Cả nước có hàng nghìn cơ sở sản xuất, chế biến chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ giúp người nông dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương mình.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan (thứ 3 từ trái sang) với bà con nông dân  tại Ngày hội Lúa rươi hữu cơ H.Tứ Kỳ (Hải Dương).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan (thứ 4 từ trái sang) với bà con nông dân tại Ngày hội Lúa rươi hữu cơ H.Tứ Kỳ (Hải Dương).

phát triển
nông nghiệp hữu cơ
bảo đảm bền vững
các trụ cột kinh
tế - xã hội - môi trường

Trên thế giới, tăng trưởng xanh nói chung, nông nghiệp xanh nói riêng đã dần trở thành xu hướng chủ đạo. Trong bối cảnh đó, nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển nông nghiệp xanh đã được ban hành, như: Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định, vai trò của nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế, trong đó phát triển nông nghiệp gắn với nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với nhu cầu thị trường.

Việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, với mục tiêu phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu càng thể hiện rõ hơn quyết tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam. Đề án cũng xác định, với những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Đặc biệt, đưa nông nghiệp hữu cơ về địa phương được coi là chính sách đúng đắn của Chính phủ, trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay. Nhờ vậy, mà phong trào sản xuất hữu cơ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở các địa phương đã xuất hiện các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ ngày một nhân rộng tại các tỉnh thành trên cả nước.

Đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu
Các mô hình sản xuất cơ đã được các địa phương quan tâm triển khai - Ảnh minh họa.
Đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu
Đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu

Sản xuất hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của nông nghiệp thế giới. Không đứng ngoài cuộc, ngành nông nghiệp Việt Nam đã từng bước đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, coi đây là hướng đi bền vững góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất... tiến tới đưa nông sản nước ta chiếm lĩnh những thị trường lớn, giàu tiềm năng.

Mặc dù diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam nhỏ nhưng vẫn có rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Tính đến cuối năm 2023, cả nước hiện có 74.540 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chiếm 0,5% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn giúp nông dân nâng cao kiến thức, tay nghề, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy truyền thống sang an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Giá trị nông sản hữu cơ cũng vượt trội so với giá bán thông thường. Đơn cử như các mặt hàng quế, hồi, điều nhân, hồ tiêu hay cơm dừa, giá bán dòng sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn chứng nhận Organic EU và Organic USDA cao hơn từ 10% đến 25%, thậm chí cao hơn nữa so với sản phẩm thông thường cùng loại.

Không những thế, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng hữu cơ tại nhiều thị trường, như: châu Âu, Hoa Kỳ ngày một gia tăng, do thay đổi thói quen ăn uống, người tiêu dùng có xu thế ăn các sản phẩm sạch có nguồn gốc tự nhiên, các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật để thay thế thịt và các sản phẩm sản xuất thông thường.

Qua đó, mong muốn các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Hy vọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam ngày một lớn mạnh và phát triển bền vững.

Đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu
Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn hướng theo hữu cơ.

“Chìa khóa”
phát triển nông nghiệp hữu cơ?

Nông nghiệp hữu cơ đã có những kết quả tích cực nhưng vẫn đối diện với những khó khăn, thách thức như: Chưa có quy hoạch về sản xuất hữu cơ, chưa có các cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ, công nghệ còn hạn chế, chưa đồng bộ nên chưa thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ,...

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Đã nói đến nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững, tức là phải có một quá trình lâu dài, không ăn xổi được, phải có chiến lược phát triển, không được làm ăn theo kiểu chộp giật.

“Tuy nhiên, để có thể bước đi lâu dài và bền vững, các mắt xích trong hệ thống sản xuất hữu cơ cần có sự liên kết chặt chẽ. Phát triển nông nghiệp hữu cơ cần đòi hỏi tất yếu từ thực tế, gắn với việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Việt Nam. Nông nghiệp hữu cơ không chỉ tạo ra những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng ở thị trường trong và ngoài nước, mà còn khai thác được thế mạnh của mỗi vùng miền, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững nền nông nghiệp” - Bộ trưởng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cho đến thời điểm này, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, có thể nói, đây chính một chiến lược có tầm nhìn xuyên suốt gần 40 năm để trả lời rất nhiều các câu hỏi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn đang được đặt ra từ cuộc sống. Đây cũng là lần đầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có được một chiến lược phát triển dài hạn.

Chiến lược nhằm định vị ngành nông nghiệp và nông thôn trong một cấu trúc kinh tế- xã hội, trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, đồng thời cũng khẳng định vai trò sứ mệnh của ngành nông nghiệp và nông thôn. Cũng lần đầu, nông nghiệp được ghép với nông thôn như một sự tương hỗ hữu cơ với nhau.

“Vì vậy, tại sao chúng ta phải có một chiến lược dài hạn? Bởi vì nền nông nghiệp của chúng ta với đặc thù là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, với hàng chục triệu nông dân như thế, với tập quán sản xuất như thế, với sự manh mún đồng ruộng như thế, để tổ chức lại, không phải ngày một ngày hai làm được mà cần có một chiến lược dài hạn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Do đó, để duy trì và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững thì từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương cần ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam để rút ra bài học trong việc lựa chọn các sản phẩm phù hợp và chiến lược phát triển trong thời gian tới.

Đặc biệt, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ; tạo điều kiện để nông dân mở rộng, đổi mới công nghệ, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm an toàn, bảo đảm nguồn nguyên liệu và kiểm soát được chất lượng thành phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; xây dựng mô hình sản xuất, chế biến nông sản an toàn theo quy trình.

Chú trọng việc thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ. Đây sẽ là những doanh nghiệp có vai trò đầu tàu về việc ứng dụng những mô hình sản xuất hữu cơ chuẩn mực, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất đến các trang trại, hợp tác xã và hộ gia đình làm nông nghiệp.

Đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu
Cân đối dinh dưỡng vô cơ - hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu
Đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều chính sách nhằm hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển nông nghiệp bền vững trong đó có việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ như:

Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 5415/QĐ-BNN-BVTV ngày 18/12/2023) với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững; nâng cao tiềm lực nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ hiện đại trong sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Nhằm Phát huy và thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp, tăng cường mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ tích cực cho nông dân về vốn, kỹ thuật, đặc biệt là nông sản hữu cơ.

Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 (tại Quyết định số 5190/QĐBNN-BVTV ngày 07/12/2023) với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cân đối dinh dưỡng vô cơ - hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Thông qua các chính sách cụ thể trên sẽ giúp nông dân Việt Nam từng bước tiếp cận nông nghiệp hữu cơ, nhanh chóng chuyển đổi các lĩnh vực, trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ theo xu thế của Việt Nam và thế giới.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, với mục tiêu phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu càng thể hiện rõ hơn quyết tâm phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam. Đề án cũng xác định, với những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.”

Đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu

Nội dung: Ánh Dương

Đồ họa: Hà An